Một châu Phi đầy mâu thuẫn

Thế nhưng, tại CAN 2021, bóng đá châu Phi lại bộc lộ một sự mâu thuẫn đáng kinh ngạc. Bất kỳ đội bóng nào trong số 24 đội dự CAN đều hiểu rằng, cơ hội vô địch của họ nằm ở số lượng cầu thủ châu Âu mà họ gọi được về để phụng sự quốc gia. 
Tiền đạo Mohamed Salah của đội tuyển Ai Cập và CLB Liverpool
Tiền đạo Mohamed Salah của đội tuyển Ai Cập và CLB Liverpool

Trong 15 trận đấu đầu tiên của giải Vô địch châu Phi (CAN) 2021 đã diễn ra, chỉ một trận đấu có kết quả cách biệt trên 2 bàn. Tất cả các trận còn lại có những kết quả phổ biến là 1-0, 0-0, nghĩa là sự chênh lệch trình độ giữa các đội tuyển châu Phi không hề lớn. 

Thế nhưng, tại CAN, bóng đá châu Phi lại bộc lộ một sự mâu thuẫn đáng kinh ngạc. Bất kỳ đội bóng nào trong số 24 đội dự CAN đều hiểu rằng, cơ hội vô địch của họ nằm ở số lượng cầu thủ châu Âu mà họ gọi được về để phụng sự quốc gia. Thế nên, toàn bộ cầu thủ Senegal đều đang chơi bóng ở châu Âu, trong khi đội chủ nhà Cameroon có đến 22 cầu thủ. Ước tính, có 10 đội bóng ở CAN có số cầu thủ từ châu Âu về chiếm đến 90% quân số. Đây cũng là lý do mà CAN trở thành “cái gai” trong mắt các CLB hàng đầu châu Âu vì họ phải “nhả người” theo luật FIFA.

Ngược lại, có những đội như Ethiopia, toàn bộ cầu thủ lại chơi bóng trong nước. Gần như tương tự là Malawi và Sudan. Đây là một sự mâu thuẫn khó giải thích. Ethiopia là một quốc gia nghèo, có dân số đứng thứ 12 thế giới, nhưng họ lại chẳng có cầu thủ nào chơi bóng tại châu Âu. Sang châu Âu gần như là lựa chọn đầu tiên, duy nhất của mọi cậu bé ở châu Phi. Đó là cơ hội thoát nghèo và về cơ bản, hoàn toàn khả thi bởi tố chất thể thao trong con người châu Phi là không phải bàn cãi. Quốc gia càng nghèo, càng bất ổn về xã hội, chính trị thì số cầu thủ chơi bóng ở châu Âu càng đông. 

Vậy nhưng vẫn còn các trường hợp như Ethiopia, hoàn toàn không giải thích được. Năm 2013, quốc gia này mới được dự CAN lần đầu tiên sau 3 thập niên. Trong khi đó, quốc đảo bé nhỏ có nền kinh tế nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới có chưa đầy 1 triệu dân là Comoros lại có toàn bộ đội hình đang chơi bóng tại châu Âu - dù chủ yếu là các CLB hạng trung tại Pháp, Bỉ.

Đấy là châu Phi. Đấy là một nền bóng đá rất nghèo dù giàu tiềm năng. Những gì đang diễn  ra ở Cameroon là minh chứng. Năm 2014, Cameroon được trao quyền đăng cai CAN 2019 nhưng đến gần thời hạn, năm 2018, do các công trình chuẩn bị cho sự kiện bị chậm tiến độ, công tác tổ chức lộn xộn, Cameroon bị rút quyền đăng cai, CAN 2019 được chuyển về Ai Cập. Đổi lại, Cameroon được giao tổ chức giải đấu tiếp theo, tức CAN 2021. Đại dịch Covid-19 khiến CAN phải dời lại 1 năm. Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may. 

Thực tế là hồi năm ngoái, hạ tầng cơ sở cho giải đấu vẫn chưa được nước chủ nhà hoàn tất. Lùi được 1 năm vẫn chưa đủ với Cameroon, khi CAN 2021 khởi đi trong… hồi hộp với những quy định vệ sinh phòng dịch đặc biệt nghiêm ngặt do biến thể Omicron, cộng thêm bất ổn khiến vấn đề an ninh là thách thức lớn cho nước chủ nhà và các đội bóng đến dự giải.

Vậy đấy, CAN vẫn diễn ra và sai sót xuất hiện liên tục từ chuyên môn đến công tác trọng tài. Nhưng mặc nhiên, người ta xem đấy chính là một phần không thể tách rời của bóng đá châu Phi. Vì một châu Phi như vậy, mới có những ngôi sao như Mohamed Salah, Geogre Weah, Roger Milla, E’too, Sadio Mane… cũng như các cuộc trình diễn hoang dại tại World Cup hay sự lôi cuối hàng tuần mà họ tạo ra ở Anh, Italy, Pháp… Cho dù CAN có tổ chức tệ đến mức nào, thì hãy xem các ngôi sao châu Phi nhiệt tình về quê tham dự, cũng đủ thấy được tiếng gọi của cội nguồn niềm đam mê bóng đá lớn đến mức nào.

Tin cùng chuyên mục