Mikhail Youzhny: Tạm biệt ngài “Đại tá”!

Hôm qua, trận thua Roberto Bautista Agut (Tây Ban Nha) với điểm số 6-7 (6-8), 6-3, 3-6 ở St. Peterburg Open chính là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của “Ngài Đại tá” Mikhail Youzhny. Tay vợt nổi tiếng với… cá tính mạnh mẽ trên sân đấu người Nga đã quyết định chấm dứt những ngày tháng chơi bóng quần vợt chuyên nghiệp của mình, sau 19 năm “lăn lộn chiến trường”.
Tạm biệt "Ngài Đại tá" Mikhail Youzhny
Tạm biệt "Ngài Đại tá" Mikhail Youzhny
 

Có cá tính mạnh mẽ như… quân nhân trên sân đấu, những pha ăn mừng chiến thắng cực kỳ ấn tượng – với cách giơ tay chào kiểu nhà binh (được truyền cảm hứng từ cha của mình, một quân nhân), khiến các CĐV yêu mến Youzhny gọi anh là “Ngài Đại tá”. Hôm qua, “Ngài Đại tá” đã chấm dứt con đường “binh nghiệp” của mình, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng không ít CĐV mê đắm đất nước, con người Nga nói chung, và thể thao, quần vợt Nga nói riêng. Nhưng có một điều chắc chắn, chính bản thân của Youzhny lại không hề cảm thấy tiếc nuối!

Khi mà Bautista đang cầm giao bóng và dẫn điểm 5-3, 40-0 ở ván đấu quyết định trong trận đấu ở vòng 2 của St.Petersburg Open 2018, ống kính máy quay đã 2 lần chiếu cận cảnh gương mặt của tay vợt 36 tuổi người Nga. Trong cả 2 lần này, Youzhny thể hiện sự thản nhiên trước viễn cảnh để thua trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp. Sự buồn nản, hay thất vọng – nếu có, đã ẩn sâu trong nội tại con người Youzhny, còn lại, đó chỉ là những biểu cảm của một sự thể thắng – bại quá bình thường trên sân đấu.

Youzhny đối mặt với 3 nguy cơ thua match-point, anh đã chiến đấu hết sức cho từng điểm số một, với hy vọng níu giữ thời gian thêm một chút, nhưng rồi, cạn kiệt năng lượng, anh đã không còn có thể làm thêm điều gì. Trận thua Roberto là trận thua thứ 417 trong sự nghiệp của anh, và cũng là trận đấu cuối cùng. Youzhny không đạt được cột mốc 500 trận thắng, anh sẽ giải nghệ với… 499 trận thắng, nhưng điều đó, với anh, cũng chẳng mấy quan trọng nữa. Không có một di sản thật sự rõ ràng, nhưng Youzhny vẫn được người ta nhớ đến, mới hay!

“Với chiến thắng thứ 500, thì tôi cũng đã đưa ra quyết định của mình. Với tôi, dù đạt được cột mốc thành tích ấy, cũng chẳng tạo nên khác biệt gì cả. Chiến thắng thứ 500, chiến thắng thứ… 501, hay chiến thắng thứ 499, cũng chẳng thể thay đổi được điều gì, người ơi”, trước khi ra sân đấu với Baustista, Youzhny đã nói lên tâm sự tự đáy lòng. Nhưng lại hoàn toàn chính xác. Anh có gia nhập CLB 500 trận thắng, anh cũng vẫn là Youzhny, chàng trai người Nga luôn cháy lửa trên sân đấu, sẵn sàng… đật vợt vào đầu đến tét trán, đổ máu, chỉ để phản ứng sau 1 điểm thua.

Youzhny đập vợt vào đầu sau khi thua điểm 

Sống và chiến đấu trong thời đại Roger Federer, rồi Rafael Nadal, và sau này là Novak Djokovic liên tục chia sẻ địa vị thống trị, là một thiệt thòi cho những người như Youzhny (hay một người khác có thể được nhắc đến, chính là đồng hương của Bautista – David Ferrer). Nếu không có bộ 3 ở trên, sự nghiệp của Youzhny có lẽ đã rực rỡ hơn một chút, và khi anh ra đi, chắc chắn đã để lại chút di sản nào đó với đời. Dù sao, sống cùng thời với Federer – Nadal, cũng là một cái duyên, mà Youzhny sẽ mãi nhớ.

“Tôi vẫn có thể nói rằng, tôi đã có một sự nghiệp rất tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, bản thân sẽ có thể cầm vợt cho đến tận ngày hôm nay, và vẫn còn có thể thi đấu quần vợt ở đẳng cấp cao. Tôi là một trong những chàng trai trẻ nhất của lứa 1981-1982 lọt vào tốp 100 thế giới và tôi đã vươn đến đỉnh cao. Mọi lúc, mọi nơi, tôi đều có thể tự hào nói rằng, mình là một tay vợt chuyên nghiệp. Đó có lẽ là lý do, tôi đã trụ lại lâu hơn ở trong làng quần vợt này”, Youzhny tâm sự.

Sau thời của Marat Safin, Youzhny mới chính là cái tên gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong làng quần vợt của “xứ sở Bạch Dương”, dù rằng thành tích của anh không thể sánh bằng Nikolay Davydenko, tay vợt đồng hương đồng tranh lứa từng lọt vào tốp 3 thế giới (hồi năm 2006) và có đến 4 lần lọt vào bán kết Grand Slam (2 lần ở French Open, 2 lần ở US Open). Thứ hạng cao nhất của “Ngài Đại tá” là vị trí thứ 8 trên bảng điểm của ATP hồi năm 2008. Anh cũng mới có 2 lần lọt đến bán kết ở các kỳ giải US Open.

Nhưng không “quá nhàn nhạt” như Davydenko (và cũng không hề bị nghi bán độ như anh này), Youzhny luôn khiến người ta đôi phần nhớ đến một Safin “điên điên” trong quá khứ. Và nên nhớ rằng, anh cũng có một “chiến công” khiến người Nga kể mãi – khi anh sắm vai… “người hùng” giúp tuyển Nga 2 lần đăng quang ở đấu trường Davis Cup – trong các năm 2002 và 2006. “Ngài Đại tá” đã dừng lại. Anh chẳng có di sản gì đặc biệt. Nhưng chẳng phải, di sản của anh là những khoảnh khắc đáng nhớ, với kiểu chào nhà binh đặc sắc, mãi mãi đi vào lòng người?

Tin cùng chuyên mục