“Miền đất hứa” cho những môn thể thao mới

Không hề dè dặt, thậm chí rất hào hứng, người TPHCM đón nhận những môn thể thao mới lạ du nhập từ trước đến nay vẫn với phong thái như thế. Trước có billiards & snooker, các môn võ biến thể tempo, jiu jitsu, climbing (leo tường), giờ có thêm thể thao điện tử, hockey, cricket… Tất cả đều xem TPHCM là “miền đất hứa” để đặt những viên gạch đầu tiên cho cả một lịch sử phát triển lâu dài về sau này.
Tập luyện môn hockey ở TPHCM. Ảnh: PHÚC NGUYỄN
Tập luyện môn hockey ở TPHCM. Ảnh: PHÚC NGUYỄN

Lạ rồi sẽ thành quen
Hồi năm 2007, khi môn hockey (khúc côn cầu trên cỏ) xuất hiện và được giới thiệu nghiêm túc tại một số trường học quốc tế ở TPHCM, nhiều người vẫn còn khá ngạc nhiên, thậm chí không tin môn này có thể phát triển được. Thế nhưng, sau sự ra đời của 2 CLB đầu tiên là Tornados và Saigon International vào năm 2008, trào lưu tập luyện và thi đấu hockey nghiệp dư nở rộ. Giải hockey TPHCM mở rộng trong 5 mùa giải (2008-2012) còn thu hút đến 42 CLB trong nước và quốc tế, chủ yếu là học sinh, sinh viên, chuyên gia nước ngoài đến TPHCM sinh sống và làm việc.
Những người gieo mầm cho môn hockey như ông James Chew (Liên đoàn Hockey châu Á) thừa nhận lúc đầu gặp đôi chút khó khăn, nhưng sự năng động của người TPHCM, tình yêu dành cho thể thao của giới học sinh, sinh viên và kể cả giới văn phòng đã góp phần tạo nên một bầu không khí hockey đầy sôi động. Trước thời điểm Việt Nam trở thành thành viên thứ 132 của Liên đoàn Hockey quốc tế (IHF) năm 2014, một liên hoan hockey sân cỏ được tổ chức thu hút đến hơn 500 người tham gia. 13 năm sau, vào tháng 8-2020, Liên đoàn Hockey TPHCM chính thức ra đời sau khi thu hút và kích thích được đông đảo người tham gia tập luyện và chơi môn thể thao vừa giàu tính tập thể lại vừa giúp từng cá nhân có thể phô diễn tài năng của mình.

VĐV tập luyện môn hockey ở TPHCM. Ảnh: P.NGUYỄN

Từ TPHCM xuôi về Bến Lức (Long An) khoảng 35km và nằm ven bờ sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng, Vietnam Hockey Centre khá đồ sộ (hơn 10.000m2) với những bãi cỏ xanh mát rượi đã được xây dựng và được xem là trung tâm huấn luyện và đào tạo khúc côn cầu trên sân cỏ đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là nơi đóng quân của Liên đoàn Hockey Việt Nam.
2013 là năm lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có đội tuyển hockey dự SEA Games 27 tại Myanmar. Dù chưa đạt được thành tích cao bởi Singapore, Malaysia, Thái Lan quá mạnh, nhưng Việt Nam với thành phần nòng cốt là các VĐV của TPHCM vẫn được giới chuyên môn đánh giá có tiềm năng lớn ở môn thể thao mới này. Từ lạ thành quen, hockey đã chọn “miền đất hứa” TPHCM để hình thành và phát triển như thế… Ông Nguyễn Hà Trường Hải, Chủ tịch Liên đoàn Hockey TPHCM, cho biết hockey không đơn giản là một môn thể thao mà còn là một phong cách sống, giúp người chơi rèn luyện được nhiều kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao được kỹ năng làm việc nhóm và tinh thần lãnh đạo.
Thời gian tới, hockey sẽ mở rộng “biên độ” hoạt động, không chỉ tập trung ở các trường học quốc tế tại quận 7, quận 2 mà sẽ đến gần hơn với cộng đồng, tiếp cận trường học công lập vừa giúp phát triển thể thao học đường, vừa tìm kiếm tài năng cho đội tuyển hockey Việt Nam.
Cricket TPHCM sẽ mở đường
Anh Trần Nghĩa Nhân, Tổng Thư ký của Liên đoàn Cricket TPHCM, cho biết khi cùng đồng nghiệp đứng ra vận động thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp này (tháng 8-2020), chuyện không hề đơn giản. Dù cricket đã xuất hiện ở TPHCM khoảng 15 năm nhưng nó vẫn luôn mới mẻ trong mắt người yêu thể thao nơi đây, dù nếu so sánh, trên thế giới, cricket có số lượng người chơi lên đến 2 tỷ (thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế - IOC), chỉ xếp sau môn bóng đá.

Chuyên gia nước ngoài huấn luyện kỹ thuật cricket cho các VĐV TPHCM. Ảnh: P. NGUYỄN

Nhờ vào phong trào đã có sẵn (cricket xuất hiện lần đầu tại Việt Nam tại Trường Đại học Quốc tế RMIT hồi năm 2005, phần lớn thành viên trong đội là sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp Đại học TDTT TPHCM), nhờ phát triển cực thịnh ở Anh, Australia, Ấn Độ… (cộng đồng những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam) đã góp công rất lớn để tạo dựng thói quen chơi cricket lan tỏa đến cộng đồng. Tháng 8-2020, Liên đoàn Cricket TPHCM ra mắt, và theo Chủ tịch Liên đoàn Cricket TPHCM Lâm Hoàng Tuyên, đích ngắm của những “đại sứ” cho môn thể thao này chính là sớm tạo một trào lưu tập và chơi cricket từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp không chỉ ở TPHCM, mà ở khắp các tỉnh thành cả nước. 
“Cricket còn khá mới lạ đối với người Việt Nam, nhưng chúng tôi tự tin sẽ kéo cộng đồng đến gần với môn thể thao mới này. Việc Liên đoàn Cricket TPHCM được thành lập sẽ là một bước đệm giúp quảng bá rộng rãi bộ môn này đến với mọi người, tạo động lực phát triển phong trào cricket của thành phố ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện những dự án, chương trình trọng tâm như: Dự án CLB Cricket for Kids; chương trình đào tạo HLV, trọng tài, hướng dẫn viên cricket cơ sở; dự án xin tài trợ trang thiết bị, dụng cụ cricket; hệ thống giải bán chuyên nghiệp HCF - League “Sài Gòn Sixes”; chương trình cricket cho sinh viên Đại học TDTT TPHCM và Đại học Tôn Đức Thắng”, ông Lâm Hoàng Tuyên hào hứng cho biết.

Tin cùng chuyên mục