1. Người Anh đang buồn. Buồn ghê lắm. Sau trận thua tuyển Nga 1-2, rất có thể sau mười bốn năm các chú sư tử Anh lại một lần nữa vắng mặt tại một trong hai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là World Cup và EURO. Bây giờ họ đang thi nhau tìm xem ai là kẻ đã gây ra tai họa khủng khiếp cho bóng đá xứ sương mù. McClaren: sống dưới giá treo cổ. 2.
Xét về tương quan lực lượng, Anh rõ ràng là nhỉnh hơn Nga, gần như ở hầu hết các vị trí. Báo chí mấy ngày nay tập trung ca ngợi Roman Pavlyuchenko, cầu thủ đã ghi cú đúp vào lưới Paul Robinson. Thực ra, Pavlyuchenko về tài năng không thể sánh với Owen hay Rooney bên phần sân đối diện. Anh được ca ngợi, có lẽ vì đó là hai bàn thắng quan trọng, không chỉ giúp tuyển Nga lật ngược được thế trận mà còn mở tung cánh cửa dẫn đến vòng chung kết EURO 2008 - chứ thật ra đó chỉ là một quả sút phạt đền và một quả đá bồi, hoàn toàn khác xa những bàn thắng ngoạn mục của Ronaldinho hay Messi. Thậm chí bàn thắng mở tỉ số của Rooney ngay trong trận Anh - Nga cũng có đẳng cấp hơn hẳn những bàn thắng của Pavlyuchenko.
Chỉ đến khi nạn chấn thương đột nhiên trở thành một bệnh dịch để biến trại huấn luyện của tuyển Anh thành một trạm xá lưu động thì McClaren mới buộc phải thay Lampard bằng Barry, Rooney bằng Heskey, Gary Neville bằng Richards... và may mắn thay, đội hình bất đắc dĩ này đã ngẫu nhiên đem lại cho đội tuyển Anh một sự cân bằng mà McClaren tưởng sẽ không bao giờ tìm thấy. Rõ ràng, nếu hàng loạt hảo thủ không chấn thương, McClaren sẽ mãi mãi loay hoay trong tấm lưới do chính mình giăng ra.
3. Nhưng cho dù gặp may mắn, thì tuyển Anh cũng không may mắn đến mức ngay cả huấn luyện viên McClaren cũng... chấn thương. McClaren vẫn ngồi đó, trên băng ghế kỹ thuật, và vẫn không đọc được những gì diễn ra trên sân. Thực tế đã chỉ ra mồn một, rằng ngay trong trận Nga bị Anh đè bẹp tới 3-0 trên sân Wembley hơn một tháng trước đây, người Nga vẫn cho thấy họ không phải là một đối thủ không nguy hiểm. Cho đến trận đại bại tại London, người Nga đã không thua một trận nào trước đó trong hành trình kiếm vé đến EURO 2008. Và ngay trong trận đấu trên sân Wembley, có những thời điểm các cầu thủ Nga khiến hàng phòng ngự Anh xính vính. Nếu không để bóng chạm tay trước đó, pha ghi bàn của Zuryanov vào lưới tuyển Anh phút 19 đã được công nhận và diễn biến sau đó có thể đã khác đi. Rồi hàng loạt những pha hỏng ăn đáng tiếc của Bilyaletdinov, Shychev, Zuryanov đã khiến Robinson thót tim. Rõ ràng, Nga không phải là Macedonia, Estonia hayAndorra, cũng không phải là Nga thời kỳ “tiền Hiddink”.
4. Thế nhưng McClaren đã bị tỉ số 3-0 đánh lừa. Báo chí Anh mải bay cao sau trận đại thắng, cũng bị mờ mắt nốt. Họ xúm vào chê tuyển Nga thi đấu rườm rà, không hiện đại. OK, họ có thể coi thường tuyển Nga bạc nhược những năm gần đây, nhưng họ hết sức sai lầm khi coi thường Guus Hiddink, người đã lập hàng loạt thành tích với các đội tuyển Hà Lan, Hàn Quốc và Úc ở ba kỳ World Cup gần đây nhất. Và có thể lần này là lần thứ tư liên tiếp, nếu ông giúp Nga lọt vào vòng chung kết EURO 2008 tới đây.
Thực ra tuyển Anh rất kỵ lối đá phối hợp nhỏ kiểu Spartak của Nga. Giải Anh cũng có MU và Arsenal chơi phối hợp nhỏ rất hay, nhưng đa phần cầu thủ thực hiện trên sân không phải là người Anh. Lối đá một chạm kiểu Nga trông có vẻ rườm rà nhưng hết sức hiệu quả khi dùng để xuyên thủng những hàng phòng ngự cao to nhưng xoay trở chậm chạp, như hàng thủ tuyển Anh. McClaren tưởng dựng lên một hàng phòng ngự hai tầng và kéo đội hình quanh quẩn trong vòng 30 mét tính từ khung thành thì có thể chặn được sức công phá của người Nga. Nhưng lối chơi phối hợp nhỏ và nhuyễn giống như nước chảy, nó dễ dàng len lỏi qua những khe hở một cách mềm mại, vì vậy rất thích hợp với kiểu phòng thủ ngay trước khung thành của McClaren. Nga bế tắc trong hiệp 1 thật nhưng Hiddink đã điều chỉnh kịp thời trong hiệp 2 , trong khi đội quân của McClaren chỉ biết giơ lưng chịu đấm cho đến khi ông thầy thức giấc trên băng ghế kỹ thuật để tung cùng lúc Lampard, Crouch và Downing vào sân một cách cuống quít, muộn màng.
5. Tất nhiên người Anh có thể đổ lỗi cho trọng tài Cantalejo, cho mặt sân cỏ nhân tạo ở Luzhniki, cho thời tiết giá lạnh tại Moskva, thậm chí đòi treo cổ các “tội đồ” Rooney, Gerrard, Richards, Robinson... nhưng nếu giả sử họ được quyền áp dụng hình phạt cổ xưa đó ngay trong đêm nay cho hả giận thì sáng mai thế giới sẽ thấy người trên giá treo cổ sẽ không phải là bất cứ cầu thủ nào. Tội nghiệp McClaren!
Chu Đình Ngạn
Các tin, bài viết khác
-
Việt Nam sớm giành vé vào chung kết giải U19 quốc tế 2022
-
Vòng 11 V-League 2022: SLNA chia điểm với Thanh Hóa
-
Nam Định đánh bại CLB TPHCM ở ‘trận cầu 6 điểm’
-
Lý Hoàng Nam đứt mạch kỷ lục 24 trận thắng mất chức vô địch giải quần vợt nhà nghề tại Malaysia
-
Phía sau một chuyến trở về
-
Guardiola giải thích về mùa hè thay đổi mạnh mẽ
-
Los Cabos Open: Daniil Medvedev tìm lại vòng quay chiến thắng, giành danh hiệu đầu tiên trong mùa
-
HLV Đinh Thế Nam hâm nóng ngày hội bóng đá phong trào Bình Dương
-
Bóng chuyền áo lính quyết đổi màu huy chương Đại hội thể thao toàn quốc 2022
-
Pavel Sivakov đăng quang giải xe đạp Vuelta a Burgos