Toàn bộ các đội tham dự giải bóng chuyền đội mạnh toàn quốc 2009 đều đã lộ diện. Sự xuất hiện của các cầu thủ và HLV nước ngoài từng mang lại thành công nhất định cho một số đội bóng, nhưng từ đó cũng đồng thời lộ ra những nhược điểm khác đáng phải lưu tâm.
Trình độ chưa tương xứng với lương
![]() |
Sử dụng HLV ngoại để đạt thành tích cao Aphisak (Thép Việt TPHCM) cần có bản hợp đồng dài hạn. Ảnh: Nhật Anh |
Với VTV Bình Điền Long An, việc thuê được cầu thủ trẻ 21 tuổi có chiều cao 1m89, sức bật 3m10 như Utaiwan Kaensing (tuyển thủ quốc gia Thái Lan) được xem là thành công so với nhiều đội bóng dự giải. Thế nhưng, trong trận ra quân gặp đối thủ đàn em Lilama Hải Dương, với cân nặng lên tới 86 kg, cầu thủ này đã chơi chưa được như mong đợi.
Nếu so sánh, khả năng ghi điểm của Utaiwan còn kém xa 2 tuyển thủ quốc gia là chủ công Diệu Châu và phụ công Ngọc Hoa. Thậm chí, ngay cả những bài khởi động, làm nóng khi phải đứng ở vị trí dự bị cầu thủ này vẫn phải học hỏi cách làm của các VĐV Việt Nam.
Chất lượng như vậy, nhưng chế độ đãi ngộ lại vượt trội so với tất cả các đồng đội nếu tính thu nhập theo tháng. Bình Điền Long An phải trả 37 triệu đồng (khoảng 2.000 USD) để có cầu thủ này trong vòng 1 tháng, trong khi những trụ cột như đã kể tên ở trên chỉ hưởng lương bằng 1/3. Với sự đóng góp có hạn, mức lương được hưởng lại cao như vậy làm sao tránh khỏi sự dị nghị trong nội bộ đội Bình Điền Long An.
Với đội chủ nhà Giấy Bãi Bằng hoặc Cao su Phú Riềng, họ thậm chí còn chơi sang khi thuê hẳn 2 ngoại binh, tốn kém gấp đôi nhưng luật thi đấu chỉ cho 1 cầu thủ có mặt trong sân. Với Cao su Phú Riềng, ngay trận đầu đã bị đội bóng hạng trung VietsovPetro đánh cho tơi tả, thua trắng 0-3.
Đúng như dự báo của các HLV nhiều kinh nghiệm, hầu hết các cầu thủ nước ngoài sang Việt Nam thi đấu năm nay trình độ chỉ ở mức khá, tương đương với các chủ công của mỗi đội mà họ đầu quân chứ không thực sự nổi bật.
Không nên thuê HLV ngoại ngắn hạn
Thép Việt TPHCM là một trong số hiếm những đội thuê HLV người Thái Lan về huấn luyện. Thế nhưng, sát ngày thi đấu HLV Aphisak mới có mặt để chỉ đạo thi đấu tại vòng 1. Ngay trận đầu ra quân, Thép Việt đã thua đau 0-3 trước đội bóng toàn nội binh Hoàng Long Long An và coi như tan tành chỉ tiêu lọt vào tốp 4 đội.
Trong lúc ông Aphisak chỉ đạo, ông và người phiên dịch là vất vả nhất, các HLV phó chỉ ngồi chơi, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cũng khó cho các HLV Việt Nam bởi cả năm họ huấn luyện cầu thủ, nhưng khi thi đấu lại phải “dúi” vào tay người khác.
Cũng là HLV người Thái Lan nhưng ở đội Lilama Hải Dương, HLV Prakarn Kumsa suýt gây bất ngờ lớn nếu lật đổ được Bình Điền Long An. Thực tế, HLV này cũng chưa phải là toàn diện. Nếu tỉnh táo hơn, ông cần tổ chức hội ý hoặc làm gián đoạn sự hưng phấn của đối thủ, nhưng lại ngồi im để đội bóng của mình dẫn trước 13-10 nhưng thua ngược 13-15 khá đáng tiếc.
Trước thực trạng trình độ HLV trong nước trình độ có những hạn chế nhất định. Xu hướng thuê chuyên gia nước ngoài là một sự lựa chọn tốt để nâng cao chất lượng thi đấu cho các cầu thủ. Thế nhưng, cũng giống như việc thuê cầu thủ ngoại chỉ kéo dài độ 15 ngày thì thật khó tạo được dấu ấn.
Thanh Phong
Các tin, bài viết khác
-
Thắng dễ Malaysia, bóng chuyền nữ Việt Nam tự tin trước màn đối đầu với Thái Lan
-
Bóng chuyền nữ Việt Nam thắng Indonesia 3-1 ở trận ra quân SEA Games 31
-
Bóng chuyền tìm tiền tỷ treo thưởng cho ngôi vô địch SEA Games 31
-
Giải bóng chuyền Đại học Tôn Đức Thắng mở rộng năm 2022: Sân chơi thú vị của giới sinh viên
-
Tập trung chủ công Từ Thanh Thuận, đội tuyển bóng chuyền nam trả 3 tuyển thủ về địa phương
-
Lịch thi đấu môn bóng chuyền tại SEA Games 31
-
Chuyên gia Li Huan Ning muốn ở bảng A cùng nhà vô địch Indonesia
-
Bóng chuyền nữ Indonesia đặt mục tiêu Vàng SEA Games 31
-
Bóng chuyền Việt Nam: khó và dễ
-
Bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc vẫn ổn định