Maria Sharapova giải nghệ ở tuổi 32: Một phần vì trận thua thảm Serena ở US Open

Cuối cùng thì, sự nghiệp chơi bóng quần vợt chuyên nghiệp của “Mỹ nhân tóc vàng Nga” Maria Sharapova đã dừng lại sau 19 năm đầy phong ba bão táp, cũng có không ít thành công rực rỡ. Sharapova, biểu tượng một thời của cái đẹp, đã chấm dứt cuộc phiêu lưu của mình, khi mà dấu hiệu “hết thời” của cô càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là với trận thua thảm trước Serena Williams ở US Open năm ngoái.

Không thể phủ nhận Sharapova đã có nhiều đóng góp cho quần vợt Nga
Không thể phủ nhận Sharapova đã có nhiều đóng góp cho quần vợt Nga

Sharapova đã chọn cách giải nghệ, bằng tự sự đầy xúc động đăng tải trên Vogue và Vanity Fair: “Làm thế nào để bạn có thể bỏ lại phía sau cuộc sống duy nhất mà bạn từng biết? Làm thế nào mà bạn quay bước bỏ đi khỏi những sân tập mà bạn từng đánh bóng khi còn là một con bé nhỏ xíu, bỏ đi khỏi môn chơi mà bạn yêu, thứ mang đến cho bạn biết bao nước mắt, và niềm vui thú không thể diễn tả thành lời, một môn thể thao nơi bạn tìm thấy gia đình, cùng các CĐV đã diễu hành chung với bạn trong hơn 28 năm? Tôi chỉ là người mới lạ của điều này, vì thế, hãy tha thứ cho tôi. Quần vợt - xin chào tạm biệt…”.

Sharapova đã giã từ quần vợt, sau 28 năm gắn bó, và 19 năm thi đấu đỉnh cao. Năm 2004, sau 3 năm dấn thân vào WTA Tour, cô đăng quang ngôi vô địch Grand Slam đầu tiên, khi đánh bại Serena Williams 6-1, 6-4 ở trận chung kết Wimbledon. Chiến thắng ở “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” - một trong những chiến thắng áp đảo nhất trong lịch sử chung kết giải đấu diễn ra tại All England Club, thêm huy hoàng khi cô tiếp tục đăng quang WTA Finals cuối mùa giải năm đó, cũng bằng một chiến thắng ấn tượng khác trước Serena, với điểm số 4-6, 6-2, 6-4. Một ngôi sao mới đã ra đời, trở thành một biểu tượng nhiều năm trời của WTA, nhưng cũng khiến cô "kết oán" với “đàn chị người Mỹ".

Suốt nhiều năm trời, Sharapova cố gắng chiến đấu cho sự nghiệp của chính bản thân và vinh quang cho nước Nga, dù ít khi được người Nga thừa nhận. Cô tham gia đội tuyển, tham dự màu áo quần vợt Nga ở Olympic, góp phần giúp tuyển Nga vô địch Fed Cup 2008, và giành HCB ở Olympic London 2012. Tuy vậy, người ta vẫn nói rằng: “Sharapova nói tiếng Anh giọng Mỹ sõi hơn cả tiếng Nga”, và “Thực chất, xét cho cùng, cô ta vẫn là người Mỹ, lớn lên trong cái nôi của làng quần vợt Mỹ”. Sau cũng được, trong màu áo của nước Nga, Sharapova vô địch thêm US Open 2006, Australian Open 2008 và cả French Open 2014. Với 5 danh hiệu Grand Slam, Sharapova trở thành tay vợt Nga thành công nhất trong lịch sử quần vợt chuyên nghiệp.

Lý ra cô đã giải nghệ từ năm 2016, khi mà cơ thể đã có những biểu hiện trì trệ với thời gian. Rồi cơn bão “dùng chất kích thích” bất ngờ ập đến, khiến Sharapova - khi hết án treo vợt, quyết định tiệp tục thi đấu để chứng tỏ cho cả thế giới thấy, việc cô dính đến meldonium, chỉ là do cô “vô ý không cập nhật email của WADA”. Không ai dại dột, chơi đùa với cả một sự nghiệp đồ sộ bằng một chất kích thích lộ liễu đến như vậy. Nhưng dù có là như thế nào, đây vẫn là một vết gợn, thậm chí một ám ảnh trong sự nghiệp của Sharapova, là một ký ức cô rất muốn quên, nhưng không thể nào quên, vì khi quay lại thi đấu, Masha chỉ thắng thêm 1 danh hiệu nữa, không có đủ vinh quang cần thiết để xóa nhòa quá khứ!

Những kết quả rất tệ hại gần đây, khiến cho người ta tin rằng, ngày giải nghệ của Sharapova đã cận kề, và rằng, cô đã “hết thời”, cũng giống như “đàn chị” Serena đang vùng vẫy trong tuyệt vọng vì chiếc vòng kim cô “24 danh hiệu Grand Slam”. Sharapova tâm sự, trận thua Serena tan nát ở US Open năm ngoái, trong tình trạng sức khỏe tệ hại, khiến cô hiểu đâu là giới hạn của thời gian, của cơ thể của mình.

“Một trong những dấu hiệu dự báo tôi phải giải nghệ, đã đến ở US Open hồi năm ngoái. Đẳng sau cánh cửa đóng kín, 30 phút trước khi bước ra sân đấu, tôi thực hiện phương pháp làm tê vai để vượt qua trận đấu. Chấn thương vai vốn chẳng mới mẻ gì với tôi, theo thời gian, gân vai của tôi đã mòn đi như một sợi dây đàn. Tôi đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, một lần hồi năm 2008, một lần khác tiến hành hồi năm ngoái, và trải qua rất nhiều tháng trời tập vật lý trị liệu. Đơn giản, chỉ cần bước vào sân đấu ngày hôm đó, giống như là chiến thắng cuối cùng. Tôi chia sẻ điều này, không phải để kêu gọi sự thương hại, nhưng để vẽ lên một thực tế: cơ thể tôi, đã bắt đầu đứt quãng rồi”, Sharapova tâm sự.

Thua Serena 1-6, 1-6 ngay ở vòng 1 US Open 2019, Sharapova hiểu cô đã hết thời (cô thua thêm 2 trận liên tiếp ở đầu năm nay), với tình trạng cơ thể như thế này. Ngay cả Serena, một huyền thoại sống của quần vợt nữ, cũng chật vật nỗ lực trong vô vọng để tìm kiếm danh hiệu Grand Slam thứ 24, thì cô, một “bại tướng thường xuyên” của Serena, đi được đến đâu. Duyên nợ của cô, với sự nghiệp chơi bóng quần vợt chuyên nghiệp, đã chấm dứt, vậy thì, hãy thuận nước đầy thuyển, để cho mọi thứ dễ dàng hơn, và hướng đến tương lai xa hơn.

“Tôi cống hiến cuộc đời cho quần vợt, quần vợt mang lại cho tôi sự sống. Tôi nhớ nó mỗi ngày… Giờ đây, khi ngoảnh đầu nhìn lại, tôi nhận ra, quần vợt đã trở thành một ngọn núi cao trong lòng của tôi. Con đường đi của tôi, được lấp đầy bởi các thung lũng và khúc cua, nhưng tầm nhìn ở trên đỉnh là không thể tin nổi. Sau 28 năm, với 5 danh hiệu Grand Slam, tôi sẵn sàng leo lên một ngọn núi cao khác, để cạnh tranh trên một địa hình khác không có quần vợt. Quần vợt cho tôi thấy cả thế giới, nó cho tôi thấy, tôi được tạo ra từ thứ gì. Nó kiểm nghiệm bản thân của tôi, đo đạc sự phát triển của tôi. Và vì thế, bất cứ thứ gì tôi lựa chọn cho chương tiếp theo, cho ngọn núi tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục thúc đầy bản thân mình. Tôi vẫn sẽ tiếp tục leo núi, vẫn tiếp tục trưởng thành qua từng ngày”, Sharapova khép lại lời tự sự chia tay đầy xúc động của mình.

Tin cùng chuyên mục