Mắc bẫy của chính mình

Không thể ban hành một lệnh cấm khi không có đối tượng cụ thể. Có thể cấm 1 cá nhân, 1 tập thể nhưng không thể cấm chung chung “CĐV Hải Phòng”.
 Khán giả Hải Phòng “nghiêm túc” trong trận đấu chiều qua tại sân nhà. Ảnh: Minh Hoàng
Khán giả Hải Phòng “nghiêm túc” trong trận đấu chiều qua tại sân nhà. Ảnh: Minh Hoàng
1. Xem những trao đổi của các nhóm CĐV Hải Phòng về chuyện sẽ tìm cách lách án phạt của BTC giải mà cứ phải tủm tỉm cười mãi. Thực ra thì chẳng cần phải suy nghĩ làm gì cho nhọc công, cứ đường hoàng mặc áo mua vé vào sân. Bất kỳ một nhân viên gác cửa nào cũng không được phép ngăn cản một người có vé vào sân xem bóng đá cả. Mọi hành vi ngăn cản đều sẽ vi phạm quyền tự do của công dân miễn là người mua vé không trực tiếp thừa nhận mình là CĐV của Hải Phòng.
Tất nhiên, chúng ta không ai ủng hộ những hành vi có tính phá hoại trận đấu như việc chửi bới xúc phạm, kích động, ném vật lạ xuống sân, đốt pháo sáng… bởi nó không những vi phạm tinh thần thể thao mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng. Nhưng một khi đã ra văn bản để cấm thì cần phải thể hiện được tính khả thi, có như vậy thì lệnh cấm mới có tác dụng.
Không thể ban hành một lệnh cấm khi không có đối tượng cụ thể. Có thể cấm 1 cá nhân, 1 tập thể nhưng không thể cấm chung chung “CĐV Hải Phòng”. Ví dụ, một người Hải Phòng xa quê sinh sống làm việc tại Cần Thơ, không lẽ không được phép  mặc áo thi đấu của Hải Phòng, mua vé vào sân xem đội bóng quê hương thi đấu. Ai được phép cấm điều đó?
Trong trường hợp cụ thể của Hải Phòng, thay vì “cấm các CĐV Hải Phòng” thì lẽ ra phải nói là “chỉ cho phép các CĐV đội chủ nhà vào sân”. Dù điều này sẽ khiến BTC sân vất vả nhưng chí ít nó cũng thực tế hơn.
2. Bản chất của câu chuyện này là cái văn bản phi thực tế, thậm chí là trái luật kia, thực ra là những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đang mắc bẫy của chính mình.
Nhu cầu thành lập Hội CĐV là có và về nguyên tắc, cần được khuyến khích. Cái gì chính quy bao giờ cũng dễ quản lý và ít bị biến tướng. Tuy nhiên, việc thành lập Hội rất phức tạp nếu tiến hành các thủ tục về mặt pháp lý. Đây là lý do mà các CLB gần như “né” đề cập đến chuyện này mặc dù họ rất muốn có.
Nhưng trong khuôn khổ bóng đá, thì vẫn có thể lập ra các nhóm cổ động viên (theo nghĩa được tổ chức chứ không phải Hội về mặt pháp luật). Các Hội theo kiểu này chỉ có giá trị trong những hoạt động, trong những không gian cụ thể do VFF quản lý (sân bóng trong những ngày có thi đấu). Các Hội này đương nhiên sẽ được hưởng các ưu đãi do VFF qui định, như ưu tiên mua vé theo nhóm, được bố trí khu vực đẹp nhất của khán đài B… Bên cạnh những ưu đãi, thì để VFF thừa nhận, cần có những chế tài (ký quỹ, tiền niên liễm chẳng hạn). 
Biết là khó nhưng VFF nên khuyến khích và trực tiếp cùng các CLB xây dựng ra các Hội CĐV chính quy. Mỗi đội có bao nhiêu Hội cũng được, miễn là tuân thủ các quy định. Dựa trên cơ sở đó, một khi có ra quyết định xử phạt thì cũng có địa chỉ cụ thể. Hơn nữa, việc ra đời các Hội kiểu thế này, cũng giảm thiểu phần nào những rắc rối trên khán đài.
Vấn đề là chưa bao giờ VFF, nơi duy nhất có tư cách thực hiện, thật sự quan tâm đến công tác xây dựng phong trào này. Họ cũng sẵn sàng “né”, đẩy cái khó về CLB và cũng chẳng có yêu cầu các đội bóng phải có Hội CĐV của mình. Đến khi xảy ra chuyện, mới tự dính vào cái “bẫy” câu chữ trên văn bản…

Tin cùng chuyên mục