Vòng loại World Cup 2006 – Khu vực châu Á

Lượt trận thứ 2 vòng bảng cuối cùng: Đông – Tây đối đầu

Lượt trận thứ 2 vòng bảng cuối cùng: Đông – Tây đối đầu

Ngày 25 tới đây, các đội bóng châu Á sẽ bước vào lượt trận thứ 2 của vòng đấu bảng cuối cùng trong cuộc đua giành vé đến Đức. Các đại biểu lừng danh ở miền Đông sẽ bước vào cuộc đối đầu không khoan nhượng với những đối thủ cứng cựa ở miền Tây.

  • Saudi Arabia - Hàn Quốc

Đại biểu của Tây Á – Saudi Arabia – từng giành chiến thắng trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa hai bên (thắng Hàn Quốc 2-1 tại bán kết Asian Cup 2000 ở Lebanon). Tuy vậy, chiến thắng “xưa cũ” này không phải là cơ sở để đại biểu Tây Á nghĩ rằng họ sẽ giành được một kết quả tương tự vào ngày 25-3.

Lượt trận thứ 2 vòng bảng cuối cùng: Đông – Tây đối đầu ảnh 1

Các cầu thủ Iran quyết tâm giành chiến thắng.

Saudi Arabia hiện đang trong thời kỳ chuyển giao thế hệ – những người “lính gác” già nua đang dần ra đi, và thay vào đó là một thế hệ mới. Do vậy, còn quá sớm để nói rằng, Saudi Arabia đã tìm ra được một đội hình mạnh mẽ như xưa.

Họ mới bị Uzbekistan – đội bóng mà 3 năm trước từng thua họ đến 0-5 – thủ hòa ở lượt trận đầu tiên của vòng bảng cuối. Những trận giao hữu “làm nóng” của Saudi Arabia gần đây cũng không mấy thành công – thua Ai Cập 0-1, thua Phần Lan 1-4.

Với Hàn Quốc, mọi việc sáng sủa hơn rất nhiều. Dù tháng trước Hàn Quốc đã thắng Kuweit 2-0, họ vẫn không tự mãn. Sau khi trải qua một tuần “đóng quân” tại trại huấn luyện ở UAE, các học trò của ông Bonfrere đã đến Đan Mạch.

Dù thiếu vắng Cha Doo-ri, nhưng sự hiện diện của Lee Dong-gook – người sẽ hoàn tất nghĩa vụ quân sự vào ngay ngày diễn ra trận đấu – và sự trở lại của Yoo Sang-chul hứa hẹn sẽ mang lại một kết quả khả quan cho Hàn Quốc trong cuộc hành quân đến Damman.

  • Iran - Nhật

Ông Branko Ivankovic, huấn luyện viên trưởng tuyển Iran, đang rất tin vào những ngôi sao đang thi đấu tại Bundesliga. Vahid Hashemian, Moharram Navidkia và Mehdi Mahdavikia chính là những con bài chủ lực cho lối chơi tấn công của ông Ivankovic trong trận đấu vào ngày 25 tới đây. Nên nhớ, trong lần gặp nhau gần đây nhất (hồi tháng 7 năm ngoái tại Asian Cup 2004), cả hai đã hòa nhau 0-0. Với chỉ 1 điểm sau 1 trận, Iran đang muốn sử dụng áp lực sân nhà để giành trận thắng đầu tiên.

Ông Zico, huấn luyện viên trưởng tuyển Nhật, cũng đang đặt hy vọng vào các ngôi sao đang thi đấu ở “trời Tây”. Đó là Hidetoshi Nakata (Fiorentina), người được gọi trở lại đội tuyển sau 1 năm vắng mặt và Shinji Ono (Feyenoord). Zico nói: “Chúng tôi sẽ ra ngoài với cả hai chiến thắng (trước Iran và Bahrain) và sẽ chơi như thể đó là 2 trận chung kết”. Dù tuyên bố hùng hồn như vậy, nhưng “ngày nghỉ cuối tuần” của Zico và các học trò sẽ là rất khó khăn khi họ thiếu Makoto Tanaka, Alex và Yoshikatsu Kawaguchi.

  • CHDCND Triều Tiên – Bahrain

Sau sự kiện ông Sckreco Juricic từ chức huấn luyện viên trưởng Bahrain từ chức, Bahrain đang lâm vào tình thế khó khăn. Một huấn luyện viên bản xứ (ông Wolfgang Sidka) sẽ tạm dẫn dắt đội bóng trong trận đối đầu với CHDCND Triều Tiên. Thiếu vắng tay săn bàn hàng đầu Ala’a Hubail, Bahrain sẽ rất khó khăn trước đối thủ đang gây rất nhiều ngạc nhiên là CHDCND Triều Tiên.

Tại Pyongyang, CHDCND Triều Tiên đang muốn tìm kiếm chiến thắng đầu tiên sau khi thua Nhật (xui xẻo) ở lượt trận đầu tiên vòng bảng cuối. Với những chiến thắng như chẻ tre ở vòng loại Giải vô địch bóng đá Đông Á (ghi 31 bàn vào lưới Mông Cổ, Guam, Đài Loan và Hồng Công), CHDCND Triều Tiên hiện đang rất hưng phấn. Nếu chiến thắng, CHDCND Triều Tiên sẽ trở thành một thực lực thật sự trước Nhật và Iran.

TIỂU PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục