Chuyện rắc rối chung quanh vấn đề bản quyền truyền hình giờ đã rõ. Trước khi chấp nhận về cơ bản việc bán bản quyền truyền hình cho VTC (Đài truyền kỹ thuật số), Ban tổ chức SEA Games 24 của Thái Lan, gọi tắt là KOSOC, đã gửi đến Ủy ban Olympic Việt Nam văn bản thông báo về việc đề nghị giới thiệu đài truyền hình phù hợp để cùng họ thương thảo việc mua bản quyền.
Đáng tiếc, theo như lời ông Santiparb Tejavanija, Giám đốc tiếp thị KOSOC thì phía Việt Nam không hề hồi âm và như thế, buộc họ chuyển sang phương án hai là làm việc trực tiếp với các đài truyền hình hoặc các công ty trung gian mua bán bản quyền truyền hình.
Chẳng những thế, ông Santiparb Tejavanija còn trách việc chậm trễ của Ủy ban Olympic Việt Nam làm KOSOC “tốn” hai tháng chẳng làm nên trò trống gì.
Trái lại, ông Santiparb Tejavanija khen phong cách làm việc của các đài truyền hình và một số công ty ở Việt Nam rất linh hoạt, nhiệt tình và VTC là đơn vị nhận được sự chấp thuận về cơ bản của KOSOC trong việc giữ bản quyền truyền hình sự kiện thể thao lớn nhất khu vực sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Như vậy, nếu tìm nguyên nhân của những rắc rối chung quanh việc tranh bản quyền truyền hình thì nguyên nhân chính là Ủy ban Olympic Việt Nam, mà trực tiếp là các quan chức đứng đầu, những người tham gia các cuộc họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á.
Họ bàng quan, dửng dưng trước công việc rất quan trọng đối với một sự kiện lớn, đó là truyền thông (trong đó có truyền hình), để rồi khi xảy ra những rắc rối thì quay lại tìm cách phản ứng theo kiểu chiếu lệ.
Họ phải chịu trách nhiệm lớn nhất với người hâm mộ Việt Nam, nếu sắp tới đại bộ phận người dân không được xem trực tiếp, xem tương đối đầy đủ sự kiện SEA Games 24 như bao lần trước.
Với Đài Truyền hình Việt Nam, thêm một lần nữa, họ lại chậm chân trước VTC (sau khi thua ở một loạt vụ “đấu thầu” bản quyền truyền hình tại World Cup 2006, Asian Cup 2007, rồi Premiership 2007 - 2008 và mới đây là SEA Games 24).
Nếu có trách thì nên trách mình không nhanh chân và không đủ lực để tham gia tranh thầu. Trước đây, việc mua bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao, văn hóa lớn là do các công ty quảng cáo, công ty tiếp thị thể thao có sẵn khách hàng mua sóng quảng cáo. Một tay họ chìa ra mua bản quyền truyền hình và một tay họ bán sóng quảng cáo.
Nhà đài chỉ việc ngồi chờ “khách” đưa sự kiện đến phát và ở giữa hưởng lợi. Nay việc bán quảng cáo các sự kiện thể thao trên sóng truyền hình quá vất vả đối với các công ty, không bằng việc tổ chức các game show, nên họ buông tay.
Nhà đài gặp khó là vì vậy. Trong khi đó, VTC là một kênh truyền hình mới, hoạt động dưới dạng hợp tác, cổ phần, nên về tài chính, họ mạnh hơn, tập trung hơn và do đó họ thắng liên tiếp các cuộc đấu thầu bản quyền truyền hình là đương nhiên.
Dẫu biết rằng việc các đài truyền hình, các công ty của chúng ta tham gia đấu thầu bản quyền truyền hình chỉ giúp đẩy giá thầu lên cao, có lợi cho nước ngoài, nhưng việc các đài truyền hình lớn của Nhà nước liên tiếp “thua trận” đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cách quản lý hoạt động các đài truyền hình về một khả năng chúng ta mất đi dần thứ gì đó quan trọng, quý giá... trước khi mất tất cả. Lúc đó, ngồi lại xem lỗi tại ai thì đã muộn.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Những trông đợi từ quãng nghỉ vàng
-
Gasperini tố trọng tài phá hủy trận đấu
-
Cha của thủ môn Alisson chết đuối ở Brazil
-
Messi ghi cú đúp giúp Barca đánh bại Elche
-
Mendy giúp Real nhọc nhằn vượt ải Atalanta
-
Xe đạp UAE Tour: Tadej Pogacar “nhả” bớt áo xanh cho Dekker
-
Man.City kéo dài chuỗi chiến thắng trước M’Gladbach
-
Nimes - Lorient 1-0: VAR phút cuối, Renaud Ripart ghi bàn duy nhất từ chấm penalty, Lorient áp chót BXH Ligue1
-
Barcelona - Elche 3-0: Tâm điểm hiệp 2, Messi thăng hoa cú đúp, Alba tỏa sáng, Barca vượt Sevilla giành tốp 3 La Liga
-
Lịch thi đấu lượt về vòng 1/16 Europa League: Cơ hội cho Milan, Arsenal và Leicester