Loay hoay một mớ bòng bong

Loay hoay một mớ bòng bong

Cái tin Thể Công thay tướng đột ngột nghe vừa bất ngờ vừa… quen quen. Nói bất ngờ bởi Thể Công thay HLV ngay thời điểm họ đang chơi tốt hẳn lên. Nói quen quen bởi những thay đổi này đã được dự báo.

Loay hoay một mớ bòng bong ảnh 1

Cổ động viên Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn.

Thể Công là Viettel Thể Công hay Thể Công Viettel không quan trọng, điều cốt lõi là đội bóng ấy mang cơ thể của Viettel hay của Thể Công. Nếu như sự xuất hiện của Viettel chỉ để cụ thể hóa cái tên gọi “CLB bóng đá chuyên nghiệp” thì càng thêm rối bởi lúc ấy, mối quan hệ về quản lý đội Thể Công sẽ càng phức tạp hơn và những cuộc thay tướng càng “dày đặc” hơn.

Bởi lâu nay, bóng đá Việt Nam cứ mơ hồ cái tên gọi CLB bóng đá chuyên nghiệp hay đúng hơn là cứ ảo tưởng về một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ mà chẳng biết phải hiểu như thế nào cho chính xác chữ “chuyên nghiệp” trong các cụm từ hết sức to lớn ấy.

Các cuộc “trở mình” ở các đội bóng không theo những qui trình căn bản mà cứ nhắm đến cái câu chữ “CLB bóng đá chuyên nghiệp” mà tiến hành. Ví dụ rõ ràng nhất là ở Pjico SLNA khi sự sáp nhập này đang làm rối tinh rối mù cơ chế vận hành CLB.

Các đội cũng đang tiềm tàng khả năng rối loạn đó là SĐ.NĐ và Viettel Thể Công. Ở những đội bóng này, các doanh nghiệp nắm giữ 50% quyền lực nhưng với phân nửa quyền hạn đấy thì thà rằng họ chỉ nên đứng bên ngoài, ghép tên tài trợ như kiểu Hoa Lâm Bình Định thì hay hơn.

Hoặc của doanh nghiệp quản lý hoàn toàn hoặc chỉ là nhà tài trợ chứ cái mô hình nửa doanh nghiệp, nửa Nhà nước chỉ chồng chéo các mối quan hệ thêm mà thôi.
Ngay cả ở các đội bóng mà doanh nghiệp giữ quyền quản lý cũng còn có chuyện.

Cách đây không lâu, Giám đốc một Sở còn tuyên bố đội bóng đã thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp nhưng trên thực tế vẫn là của địa phương. Cái kiểu làm không được nhưng cũng chẳng muốn mất về tay ai như thế khác nào trói buộc sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp!

Trở lại với Thể Công. Đấy là một cái tên đã trở thành một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam. Chắc chắn nó sẽ không chết trong lòng những tín đồ bóng đá Việt Nam ngay cả khi nó không còn tồn tại.

Ngược lại, nếu như nó tồn tại một cái tên Thể Công nhưng chẳng có bất cứ điều gì được thể hiện mang dáng vẻ của Thể Công ngày xưa thì còn tệ hại hơn. Như cái tên Cảng Sài Gòn chẳng hạn, bây giờ là Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn.

Những CĐV CSG cũ mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết họ mãi mãi gắn bó với Cảng Sài Gòn nhưng cũng chấp nhận cái tên mới Thép Miền Nam và cả lối chơi mới, miễn sao đội bóng mới ấy không bao giờ biết chấp nhận thất bại, không bao giờ đánh mất lòng tin của các CĐV. Qua những gì TMN.CSG đã phô diễn ở 6 vòng đấu đầu tiên, rõ ràng cái tên mới đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Chúng ta đang thấy một Thể Công khác trước rất nhiều. Sự thất vọng không phải là ít và nếu cứ khư khư ôm lấy những hoài niệm cũ với cái tên Thể Công ngày trước thì liệu rằng đội bóng có thay đổi được hình ảnh của mình không? Sự có mặt của Viettel, nếu đem lại hình ảnh Thể Công ngày xưa thì cũng là điều tốt đẹp.

Thay đổi một cái tên bao giờ cũng là chuyện chẳng đặng đừng nhưng nếu sự thay đổi ấy đem lại những giá trị tốt đẹp như ngày trước thì đấy là điều cần được ủng hộ. Lắm lúc, người ta cứ vin vào các giá trị cũ để đợi chờ thì thà rằng nên tổ chức hẳn một giải bóng đá “giải của các cái tên cũ” để mà thi đấu cho đỡ nhớ (!)
Còn không, nếu đã vào cuộc chơi, phải chấp nhận.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục