Lên mây

Sir Alex Ferguson đã tạo dựng được thành công rực rỡ với Man.United hoàn toàn không phải là nhờ chỉ sống trên mây. Tuy nhiên, một cây bút bình luận ở Anh quốc lưu ý là Ferguson đã hơi quá khoa trương khi tuyên bố Premier League đang sắp thống trị bóng đá châu lục trở lại...
Lên mây

Sir Alex Ferguson đã tạo dựng được thành công rực rỡ với Man.United hoàn toàn không phải là nhờ chỉ sống trên mây. Tuy nhiên, một cây bút bình luận ở Anh quốc lưu ý là Ferguson đã hơi quá khoa trương khi tuyên bố Premier League đang sắp thống trị bóng đá châu lục trở lại...

Trên báo Independent hôm qua, James Lawton viết: Có 2 thứ không đúng trong tuyên bố của Sir Alex. Thứ nhất, Barcelona hùng mạnh vẫn rất hùng mạnh, vẫn đường đường là ứng viên nặng ký nhất của chức vô địch Champions League mùa này (kế đến mới là Real) dù thua Arsenal ở trận lượt đi vòng 16 đội. Thứ nhì, đã bao giờ Premier League thực sự thống trị Champions League đâu mà “sẽ thống trị trở lại”!

Theo Lawton, quả là đã có nhiều đội bóng Anh vào rất sâu trong nhiều mùa bóng gần đây và đến năm 2008 thì trận chung kết Champions League có mặt cả 2 đội Premier League là Chelsea và Man.United. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là lần đầu tiên một quốc gia có 2 đội dự chung kết như vậy. Champions League đã có một trận chung kết toàn Tây Ban Nha vào năm 2000 giữa Real Madrid và Valencia. Champions League cũng đã có một trận chung kết toàn Ý sau đó 3 năm giữa AC Milan và Juventus.

Pha tranh bóng của tiền đạo Berbatov trên sân Marseille đêm thứ Tư.

Pha tranh bóng của tiền đạo Berbatov trên sân Marseille đêm thứ Tư.

Theo Lawton, sự thịnh vượng về tài chính tương ứng với khả năng chi tiêu lớn của Premier League quả là đã giúp giải đấu này vươn lên mạnh mẽ, nhưng chưa đến mức trụ hẳn ở vị trí chót cùng của bóng đá châu Âu. Nếu chấm 2 điểm cho chức vô địch và 1 điểm cho vị trí á quân châu Âu thì bảng xếp hạng các giải đấu tính từ khi kỷ nguyên Premier League ra đời (mùa bóng 1992-93) sẽ như sau: Serie A được 16 điểm, La Liga được 13, Premier League 10, Bundesliga 7, Pháp và Hà Lan cùng 3 điểm, Bồ Đào Nha 2 điểm.

Bên cạnh đó, nếu xét về năng lực thể hiện thì 3 lần vô địch châu Âu của các đại diện Premier League (gồm có Man.United năm 1999 và 2008; Liverpool năm 2005) chủ yếu là nêu bật yếu tố tinh thần. Khi Man.United thắng ngược Bayern trong 112 giây cuối cùng ở trận chung kết 1999, đó là chiến thắng của sự ngoan cường kết hợp với vận may chứ không phải nhờ trình độ vượt trội. Tương tự là trận chung kết 2005 của Liverpool với AC Milan.

Trong khi đó, trận chung kết năm 2008 giữa Man.United và Chelsea chủ yếu toát lên sức mạnh cơ bắp, nhịp độ dồn dập và sự ngặt nghèo của thi sút 11m luân lưu. Tất cả những yếu tố đó, theo James Lawton, đều chưa phải là “kinh điển” nếu so với khi AC Milan thắng Barca 4-0 (năm 1994) hoặc khi Barca thắng đẹp... Man.United 2-0 vào năm 2009 tại Rome. Milan ngày ấy đã được ví như một đội bóng “từ hành tinh khác đến”. Còn Barca cách đây 2 năm - và bây giờ cũng vậy - đang được xem là ngọn cờ đầu của bóng đá tấn công vì kỹ thuật điêu luyện, những đường bóng đầy nghệ thuật và lối chơi biến hóa. Không phải ai khác hơn, chính Barca đã dập tắt những lời hô hào về “đế chế Premier League” ở đấu trường châu Âu.

Năm nay, Man.United chỉ còn là ứng viên hàng số 4 với tỷ lệ đặt 1 ăn 7, sau Chelsea (2-9) và đáng nói nữa là đang rất cần tái thiết hàng tiền vệ. Tin đồn về việc Man.United rất muốn chiêu mộ Luka Modric của Tottenham - và rất tin vào khả năng thành công - đang gợi lên điều đó. Do những lão tướng như Giggs và Scholes đã đến cái tuổi không thể trận nào cũng ra sân và trận nào cũng chơi tốt, Man.United đang đối diện nguy cơ không còn một tiền vệ giàu ảnh hưởng nào. Đó cũng là bức thông điệp từ trận hòa 0-0 trên sân Marseille mới đây, một trận cầu tẻ nhạt chán chường mà ngay chính Ferguson cũng thừa nhận là “chẳng có gì đáng nói”.

Điều đó có nghĩa là bất kể gia đình hoàng gia Qatar có mua lại Man.United từ tay gia đình tỷ phú Glazers hay không (cũng tin đồn) thì CLB này vẫn bắt buộc đầu tư lớn vào những tiền vệ có vai trò giống như Lampard và Essien ở Chelsea. Và không riêng gì Man.United, kể cả Arsenal cũng có thể phải sắp xếp lại. Trong thời gian qua, họ đã thành công nhờ Fabregas, Nasri và Wilshere. Nhưng sắp tới, Arsenal sẽ khó tránh khỏi xáo trộn lớn nếu quả thực là Fabregas tìm về cội rễ của anh ta - cái nôi Barcelona - như dư luận đồn thổi.

Nói cách khác, đằng sau tuyên bố “Premier League đang sắp tái thống trị châu Âu” của Sir Alex vẫn là một cái gì đó chưa thật vững mạnh và hứa hẹn bền lâu. “Chúng ta đã biết rất rõ mọi giá trị và cả thói tật của Premier League. Chúng ta đã thấy quá rõ sự hào nhoáng và cả mặt trái của đồng tiền. Chúng ta cũng rất biết bản tính chiến đấu của Man.United. Cho nên, đừng vội vàng lên mây làm gì!” - James Lawton viết đại để như thế...

Hưng Nguyên tổng hợp

Tin cùng chuyên mục