Sẽ là bình thường nếu VPF chưa được VFF công nhận là “con đẻ” trong gia đình VFF. Nhưng khi VPF nêu “ý tưởng lạ” cho mùa giải 2013, có vẻ như đấy không đơn thuần là giải pháp chữa cháy.
Việc khó, có... cấp trên
Chi tiết rất nhỏ trong bản thông báo các phương thức tổ chức mùa giải 2013 của VPF: Ủy quyền cho Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn làm văn bản báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của Tổng cục TDTT và VFF. Chuyện này tưởng chừng bình thường, vì VPF chỉ thay VFF tổ chức mùa giải 2013 chứ không phải là “chính chủ” sở hữu.
Thật ra, nêu được bất kỳ phương thức tổ chức nào, VPF cũng đều phải thông qua VFF, kế đó là Tổng cục TDTT phê duyệt. Phương án tổ chức thi đấu mùa 2013 là đề xuất của VPF. Tuy vậy, đề xuất này chắc chắn bất thành, một khi bị cấp trên lắc đầu. Cái khó hiểu lúc này, liệu VPF có cố tình đưa ra phương án khác thường, nhằm đẩy cái khó xử cho VFF, Tổng cục TDTT? Bởi thực tế, nếu VFF, Tổng cục TDTT thông qua phương án trên, cái tiếng xấu với dư luận là của… cấp trên chứ không phải VPF.
Người ta có thể đặt câu hỏi: với 2 thành viên HĐQT VPF là các quan chức VFF, có nhất thiết phải thông qua ý kiến của VFF? Hỏi đã là trả lời. Vì có vẻ, VPF đang chuyền banh cho VFF, kế đó VFF sẽ chuyền nối lên Tổng cục TDTT. Còn việc quyết sách ấy có thể kéo tụt bóng đá Việt Nam về với lịch sử, rõ ràng cả VPF, thậm chí cả VFF, cũng không có lỗi khi quyền quyết định và chấp thuận phương án tổ chức không thuộc về họ.
“Đồng hóa” VPF
Ở đại hội VFF thường niên tại TPHCM, VPF đã được công nhận là thành viên của VFF. Nói cách khác, VPF đã chính thức được xác định là “con đẻ” của VFF. Cho nên, VPF đề xuất phương thức tổ chức mùa giải 2013, rõ ràng đã chứng tỏ nhiều thay đổi từ VPF.
Trên thực tế, sau khi bầu Kiên rơi vòng lao lý, VPF cũng đã không còn “cương” với VFF. Có những chuyển biến lớn từ VPF, nhất là sau khi họ chuyển từ “con” vô thừa nhận sang thành con đẻ. Tuy nhiên, so với những gì VPF từng làm trước đây, việc mềm mỏng hơn với VFF, Tổng cục TDTT khiến cho mô hình vốn được cho là sự phản biện của bóng đá Việt Nam trở thành “đứa con” ngoan ngoãn, không hỗn xược với VFF.
VPF đang bị “đồng hóa”? Với xu thế hiện tại, có lẽ VPF cũng không thể tìm ra một nhân vật có đủ tầm xoay chuyển cục diện như VFF. Cho nên, việc hướng về VFF nhiều hơn cũng là cách để VPF tồn tại. Chỉ có điều, một khi VPF bị đồng hóa như thế, dám chắc rằng VPF cũng sẽ dần bị thâu nạp, biến thành một… công ty tổ chức sự kiện (bóng đá) không hơn không kém. Hoàn toàn không có tầm vóc để “bật” hoặc đột phá, thoát khỏi tầm kiểm soát của VFF.
VPF bị “đồng hóa”, quy phục VFF thì có nghĩa, những ý tưởng lớn lao trước đây đã tan thành mây khói. Như vậy, nó chỉ là cánh tay nối dài cho VFF và cũng đừng mơ bóng đá Việt Nam tìm ra những bước đột phá.
Thanh Chi
| |
Các tin, bài viết khác
-
Niềm hạnh phúc của người thầy và giọt mồ hôi cô học trò
-
Giọt nước mắt nỗ lực!
-
Bài kiểm tra… bất đắc dĩ
-
Nỗi niềm bóng ném bãi biển
-
Đường dài cho các tài năng
-
Giải vô địch U23 Đông Nam Á: Hành trình kỳ lạ của U23 Việt Nam
-
Khát vọng dấn thân của U23 Việt Nam
-
Vườn ươm tài năng cho bóng đá nữ TPHCM
-
Giọt nước mắt của Bích Thùy và nụ hôn của mẹ
-
Thủ quân Huỳnh Như: ‘Lúc này chúng tôi mới thực sự ăn Tết’