Trong lần trò chuyện cùng chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nguyên thành viên Tiểu ban thông tin tuyên truyền Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), ông nói: “Việt Nam làm gì có bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, dù cho đến nay đã qua hơn 10 năm. Đề án chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam vẫn còn nằm trên bàn giấy, chưa được Chính phủ duyệt!”.
Điều mà ông Mui nói là có thật. Trên danh nghĩa, Việt Nam đang làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng cơ sở để tồn tại một nền bóng đá chuyên nghiệp là một đề án xây dựng bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được hợp thức hóa. Những con người làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp đó chưa được chuẩn bị đầy đủ, đào tạo đúng chất chuyên nghiệp để điều hành một giải chuyên nghiệp.
Và những mối quan hệ giữa các yếu tố tạo thành môi trường bóng đá chuyên nghiệp với nhau như cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài, cổ động viên, các doanh nghiệp tham gia, các nhà tài trợ, nhà quản lý, nhà tổ chức, giới truyền thông… chưa được đặt trên những quy chế, quy định, luật lệ chuyên nghiệp. Vì vậy, những gì đang diễn ra tại nền bóng đá tại Việt Nam đều chỉ là tạm thời, làm tới đâu biết tới đó, nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cho giải bóng đá tạm mang cái tên chuyên nghiệp và một nền bóng đá tạm gọi là chuyên nghiệp.
Do vậy, khi vấp phải những vấn đề lớn đều xuất phát từ những lỗ hổng, do không có một đề án bóng đá chuyên nghiệp thực sự làm cơ sở. Đơn cử, khi xảy ra tình trạng một ông chủ nắm cùng lúc hai đội bóng cùng tham dự V-League như bầu Đỗ Quang Hiển của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng nhưng VFF không thể ngăn cản vì chẳng biết dựa vào luật nào. Trong khi điều này ở các nước có nền bóng đá chuyên nghiệp thì tuyệt đối không thể.
Hay việc môi giới chuyển nhượng cầu thủ bị thả nổi, kê giá trên trời, “giá ảo”, bị các nhà môi giới hay còn gọi “cò bóng đá”, thậm chí “cò lậu” (tức không có giấy phép hành nghề) thao túng, tự ý nâng giá “khủng” đối với cầu thủ nhưng VFF vẫn không có biện pháp ngăn chặn, chế tài.
Trong khi đó, tại các quốc gia có nền bóng đá chuyên nghiệp đều bị liên đoàn bóng đá nước đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn cấm chuyện “cò” tự ý “đi đêm” với cầu thủ, cầu thủ làm giá nhũng nhiễu đội bóng, gây lộn xộn trên thị trường chuyển nhượng.
Và do không có những quy định cụ thể, minh bạch nên không thể áp dụng những hình phạt đối với những trận đấu thiếu trung thực, những trận đấu “bẩn”, gây bất bình trong dư luận. Trong suốt thời gian dài, VFF làm ngơ như không biết gì hoặc khi ai hỏi đến thì lại hỏi ngược lại “bằng chứng đâu?”.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
HLV Shin Tae-yong và lời cảnh báo đến HLV Park Hang-seo
-
Giải hạng Nhất 2021: Quảng Nam vẫn là ứng viên số 1
-
Khi Giải hạng Nhất trở thành ‘sân sau’ của các đội V-League
-
UAE tự tin sẽ đăng cai các trận còn lại của bảng G vòng loại World Cup 2022
-
Vòng 3 LS V-League 2021: Các sân thận trọng với dịch Covid-19
-
Đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 cho các CLB Việt Nam dự AFC Cup 2021
-
‘Chúng tôi vẫn còn nhiều phương án ở hành lang phải’
-
Thông điệp quá khứ và tương lai của HLV Park
-
Các đội V-League khởi động chờ ngày giải trở lại
-
Sân Quy Nhơn tính phương án mở cửa tự do trận gặp Đà Nẵng