Lại theo vết xe đổ?

1.

1. Sau chuyến khảo sát của phái đoàn Hội đồng Olympic châu Á hồi tháng 9 năm ngoái, Đại hội thể thao biển châu Á lần 5 (ABG5) đã chuyển từ Nha Trang ra Đà Nẵng, đồng thời rút số môn thi đấu từ 17 xuống còn 14 nhằm tiết giảm chi phí cho đơn vị đăng cai. Tuy nhiên, các thông tin mới nhất cho biết, nguồn kinh phí tổ chức sự kiện có tầm vóc châu lục này vẫn đang là bài toán nan giải khi con số phải bỏ ra lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Cũng cần phải nhắc lại, ABG được khai sinh năm 2008, diễn ra 2 năm/lần với mục đích chính là quảng bá những môn chơi trên cát, trên biển và quảng bá du lịch tại nơi đăng cai. Đây là lý do mà các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia) và Phukhet (Thái Lan) từng đăng cai sự kiện. Cũng chính vì mục đích mang tính chất cục bộ như vậy nên thông tin có tính chuyên môn về đại hội thể thao này khá ít ỏi, bởi phụ thuộc vào năng lực làm truyền thông sự kiện của đơn vị chủ nhà.

Với  ABG5 tại Việt Nam, tin tức mới nhất về sự kiện tính đến thời điểm này hầu như không có gì, ngoài sự kiện Đà Nẵng đã khánh thành đồng hồ đếm ngược vào giữa cuối năm ngoái. Trong khi đó, việc thành lập các đội tuyển để tham gia thi đấu cũng vất vả không kém do thể thao bãi biển chưa phổ biến tại Việt Nam.

Sự kiện tầm cỡ châu lục như Đại hội thể thao biển châu Á sắp diễn ra tại Đà Nẵng nhưng lại ít được thông tin, tuyên truyền rộng rãi. Ảnh: HUY THẮNG

2. Một đại hội thể thao có tính chất giải trí như thế này, yếu tố chuyên môn, thành tích không quan trọng bằng khả năng quảng bá sự kiện ra thế giới. Thế nhưng, ngay cả một website bằng tiếng Anh để thông tin cũng chưa thấy xuất hiện dù chỉ còn 6 tháng nữa sự kiện sẽ diễn ra.

Nhiều người bỗng giật mình rằng chuyện đi theo vết xe đổ của Đại hội thể thao trong nhà hồi năm 2009 đang hiển hiện trước mắt. Khi đó, Việt Nam cũng khá vất vả để giành quyền đăng cai với mục đích rất rõ ràng: Cơ hội để xây dựng các cơ sở vật chất mới cho thể thao, tích lũy kinh nghiệm để đăng cai các sự kiện lớn của châu Á và thế giới. Thế nhưng, gần 100 triệu USD được bỏ ra tổ chức để rồi các nhà thi đấu xây dựng mới (riêng Cung thể thao trong nhà đã tốn hơn 500 tỷ đồng) không được sử dụng hiệu quả từ đó đến nay. Kỳ đại hội thể thao trong nhà năm 2009 cũng là lần cuối cùng mà Hội đồng Olympic châu Á tổ chức và các kinh nghiệm mà thể thao Việt Nam tích lũy được cũng không biết dùng vào việc gì sau khi Chính phủ quyết định rút lui, không đăng cai Asiad 2019 do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Nói cách khác, việc tổ chức sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam hồi năm 2009 đã bị “chệch mục tiêu”.

Với ABG5 có lẽ cũng không khác. Thể thao trên biển khó phổ biến hơn mà hoạt động quảng bá du lịch cũng chẳng đạt được bao nhiêu do ngay tại Đà Nẵng, các sản phẩm du lịch không nhiều ngoài hệ thống bờ biển dài và đẹp. Chi phí tổ chức sự kiện không quá lớn nhưng việc không thu hút được các nguồn tài trợ cho một sự kiện mang tính quảng bá cao như thế này, khiến ngân sách phải “gồng” thêm là một thất bại so với mục tiêu ban đầu.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục