Lại bệnh thành tích

Nếu 15 phút cuối trận đấu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản (ngày 10-11) mà diễn ra cách đây 5 năm, có lẽ từ người hâm mộ lẫn giới truyền thông sẽ không thể hài lòng với kiểu chuyền bóng qua lại ở phần sân nhà chờ hết giờ thay vì tấn công đối phương đang còn 10 người trên sân.

Khi đó, bóng đá Việt Nam đang sa sút nghiêm trọng về thành tích. Dư luận cùng thừa nhận, đó là kết quả của một giai đoạn chạy theo thành tích, không chăm lo đào tạo trẻ, đặc biệt là góc độ văn hóa, tư duy chơi bóng. Vì thế, đội U19 Việt Nam với nòng cốt là “lò” HA.GL xuất hiện như làn gió mát, mọi thứ trở nên tốt hơn. Phong cách chơi bóng cống hiến, có phần “ngây thơ” nhưng cuồn cuộn đam mê của đội bóng trẻ ấy chính là nền tảng để bầu không khí bóng đá trở nên hấp dẫn như hiện nay.

Nhưng có vẻ những thành tích ấn tượng của các đội bóng do HLV Park Hang-seo dẫn dắt đang tạo ra một áp lực về thành tích. Một bộ phận người hâm mộ đang có xu hướng muốn được thấy các cột mốc tiến bộ mới, không muốn chấp nhận thất bại. Với đội tuyển, từ chỗ số 1 Đông Nam Á, nay muốn vào luôn World Cup 2022. Với đội U22, muốn HCV SEA Games là giành vé dự Olympic 2020. Các đội tuyển khác cũng “chung số phận”, bất kỳ các kết quả không tốt nào cũng sẽ có nguy cơ nhận “gạch đá” từ dư luận. 

Việc U19 Việt Nam cầm hòa được một đội bóng mạnh như Nhật Bản đương nhiên là kết quả rất tốt, nhưng vấn đề là liệu ở tuổi U19, có nhất thiết phải bằng mọi giá đạt kết quả hay không? Ngày trước, chúng ta cho rằng không nên áp đặt thành tích cho bóng đá trẻ, không nên “chỉ vẽ” cho họ những thủ pháp tiêu cực để mưu cầu các kết quả như ý. Thậm chí, chúng ta tin rằng, bóng đá trẻ không phải là nơi để toan tính. 

Còn nhớ, hồi năm 2014, chúng ta chủ động mời các đội bóng cực mạnh như Nhật Bản, AS Roma, Tottenham đến dự giải Tứ hùng U19. Sau đó, khi tổ chức giải Vô địch Đông Nam Á, cũng tiếp tục mời U19 Nhật Bản, Australia tham dự. Nếu đã muốn thành tích thì không ai lại mời đội mạnh hơn mình, nhưng khi đó, lứa U19 của Công Phượng, Xuân Trường đã chơi công đối công với các đối thủ trên, họ chấp nhận thua cuộc nhưng lại nhận được tình yêu của người hâm mộ cả nước. Cho đến nay, nhiều người vẫn chỉ biết đến bóng đá Việt Nam nhờ lứa cầu thủ đó.

Tư duy không quan tâm đến thành tích là sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Nhờ vậy, chúng ta có một thế hệ cầu thủ “đá không biết sợ” các đội bóng lớn. Tư duy ấy lại “hữu duyên” khi gặp được HLV Park Hang-seo, người xây dựng lối chơi dựa trên sự chắc chắn nhưng vẫn luôn ở tâm thế đánh bại mọi đối thủ. Đấy là  nền tảng cho một loạt kỳ tích từ 2018 đến nay.

Rất tiếc, đội tuyển U19 giành vé vào VCK U19 châu Á theo một cách rất toan tính. Xét về logic, không có gì xấu khi phòng ngự cầm hòa trước Nhật Bản. Nhưng xét về tầm nhìn của một nền bóng đá xây giấc mơ lớn, thì việc các cầu thủ chưa đến 19 tuổi mà đã chịu áp lực về thành tích như vậy là điều không tốt. Mặt khác, giành được vé dự VCK U19 châu Á còn che mờ sự yếu kém về năng lực của đội U19 hiện nay. Thực tế, màn trình diễn của thầy trò HLV Troussier không hề thuyết phục, nói đúng hơn là không tốt hơn giai đoạn mà HLV  Hoàng Anh Tuấn đã làm, mặc dù đội U19 đang được đầu tư “khủng” cho giấc mơ World Cup 2026.

Tin cùng chuyên mục