Ngay sau ngày giải phóng, dù còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với tính năng động và lòng say mê thể thao vô bờ, nhân dân thành phố bắt đầu xây dựng lại phong trào và nhanh chóng tiến lên chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong nhiều môn thi đấu.
Trong bài viết này, tôi không có ý định nêu lên những thành tựu của thể thao thành phố 30 năm qua, mà muốn xoáy sâu vào những bước đột phá, từng tạo nên những kỳ tích thể thao, từng là thế mạnh độc tôn, nhưng nay đã mau chóng lùi về hàng sau. Nói một cách khác, thể thao TPHCM cứ mãi đi trước về sau. Vì sao vậy?
|
Đội tuyển bóng rổ TPHCM (áo trắng) thua Phòng không Không quân (80-83) đành mất chức vô địch. |
Đầu tiên, chúng ta có thể đơn cử một số môn thể thao mà TPHCM từng là người khai phá, du nhập đầu tiên vào Việt Nam, thuở xa xưa có xe đạp, bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền rồi bóng đá thì gần hơn có bóng ném, taekwondo, judo, petanque, billiards & snooker v.v… Du nhập sớm, tiếp cận với quốc tế trước, nên nhiều môn thể thao của TPHCM nhanh chóng chiếm ngôi vị hàng đầu sau khi nước nhà thống nhất.
Đến nay, trong số những môn mà chúng tôi vừa nêu quá ít môn mà TPHCM giữ ngôi vị quán quân. Tại các SEA Games, số lượng VĐV và số huy chương vàng mà thể thao TPHCM đóng góp cho quốc gia cứ ít dần qua các kỳ đại hội. Nhìn cái biểu đồ ngày một đi xuống ấy, những người có tâm huyết với thể thao TPHCM không khỏi chạnh lòng.
Trong khi đó, ở đấu trường trong nước, xe đạp, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, rồi bóng ném và mới đây là taekwondo TPHCM đành ngậm ngùi lùi xuống hàng thứ hai, thứ ba, còn ngôi đầu ở 2 môn petanque và billiards bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong thể thao, chuyện thắng thua ở các giải đấu là lẽ thường, nhưng việc mất ngôi vô địch mà không tài nào lấy lại được lại là chuyện khác. Nó chứng minh một điều: thể thao TPHCM hoàn toàn mất định hướng trong đầu tư, xây dựng lực lượng và phát triển đỉnh cao.
Vài năm về trước, khi thấy Hà Nội gửi quân sang Trung Quốc tập luyện dài hạn, nhằm nhanh chóng gặt huy chương vàng, các nhà quản lý thể thao TPHCM dè bỉu rằng đấy chỉ là cách làm thể thao theo kiểu “nuôi gà chọi”. Song giờ đây, khi bị Hà Nội qua mặt ở hàng loạt các môn vốn là thế mạnh thì thể thao TPHCM lại vội vã lập đội đưa đi tập huấn dài hạn không khác gì “gà chọi” được nuôi tập trung chờ ngày ra đá.
Rồi khi thấy Hà Nội du nhập các môn mới, lạ lẫm như wushu, cầu mây, bắn cung, kiếm thuật, đua thuyền chèo, pencak silat, có người vội chê rằng “hết trò chơi lại mang về mấy cái môn không có Olympic, hoặc ít ai chơi”. Thế nhưng, khi thấy địa phương bạn liên tục đoạt huy chương quốc tế, rồi giải vô địch quốc gia được tổ chức, thể thao TPHCM cuống lên lập đội tập, đưa đi tranh tài, nhưng muộn mất rồi!
Không có một nhà chiến lược thể thao tầm cỡ, không có “người dẫn dắt lối chơi trên sân đấu” và không có những cán bộ thật sự giỏi chuyên môn được giao nắm những vị trí chủ chốt, Sở TDTT TPHCM từ mất phương hướng cho đến lúng túng khi chọn cho mình một hướng đi.
Trên thực tế hiện nay, TPHCM vẫn còn nắm giữ nhiều môn thể thao mạnh, có tiềm năng lớn như petanque, cờ vua, cờ tướng, bóng nước, xe đạp, hay bóng đá trong nhà (futsal) … nhưng với cách quản lý và chỉ đạo kém thì trong tương lai không xa, thành phố sẽ lỏng tay, đánh mất sức mạnh của mình.
Kỳ sau: Thể thao Hà Nội từ đi học đến dạy học
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Việt Nam'chọn' Malaysia ở trận chung kết giải U19 quốc tế
-
Cầu lông Việt Nam làm gì để có thêm nhiều tài năng như Nguyễn Tiến Minh?
-
Sandro Tonali chấn thương và khả năng rời AC Milan
-
Oleksandr Usyk vs Anthony Joshua II: Cơn thịnh nộ trên Hồng Hải sẽ chứng kiến Miêu hiệp cơ bắp - vạm vỡ
-
Cờ vua nữ Việt Nam chia tay Olympiad 2022
-
HLV Bima Sakti lên tiếng xin lỗi đội U16 Việt Nam vì hành động không đẹp của CĐV đội chủ nhà
-
Vòng đấu tứ kết giải võ tổng hợp Việt Nam sẽ diễn ra tại TPHCM
-
Viettel FC - Kuala Lumpur City (18g ngày 10-8): Chiến thắng để xốc tinh thần
-
Roller sports hướng đến chuyên nghiệp hóa
-
Barca gây ấn tượng mạnh nhất trước mùa giải mới