Kiểu chơi nửa vời

Bất cứ ông bầu nào mới chân ướt, chân ráo bước chân vào cuộc chơi, đã buông lời “đao to, búa lớn” thì chưa hẳn đã đủ sức thuyết phục giới làm nghề tin tưởng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bóng chuyền Việt Nam từng chứng kiến nhiều đội bóng được các ông bầu hứa hẹn đầu tư lớn, dài lâu, nhưng rốt cuộc đổ bể giữa chừng, đẩy nhiều VĐV vào cảnh thất nghiệp hoặc phải chạy vạy khắp nơi tìm chốn đầu quân. Phần lớn nhà đầu tư tìm đến bóng chuyền để làm thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho bản thân, hiếm có người tâm huyết được như ông Lê Quốc Phong của VTV Bình Điền Long An, hay nhiệt tình như những nhà đầu tư Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa, Viettin Bank, Thông tin LVPB. Thế cho nên, cuộc chơi bóng chuyền chỉ mang tính bền vững ở những đội bóng kể trên. Số còn lại, thường là sớm nói lời giã biệt và để lại một hệ quả đáng buồn cho bóng chuyền. Thành thử, bất cứ ông bầu nào mới chân ướt, chân ráo bước chân vào cuộc chơi, đã buông lời “đao to, búa lớn” thì chưa hẳn đã đủ sức thuyết phục giới làm nghề tin tưởng. Muốn làm người khác quan tâm và tôn trọng thì có rất nhiều cách, trong đó có việc thể hiện tư duy làm bóng chuyền đàng hoàng, xây dựng trên cái nền vững chắc, chứ không phải vung tiền mua sắm VĐV, chèo kéo ngôi sao của đội này, đội kia hoặc đòi nhập quốc tịch Việt Nam cho VĐV nước khác để có người thi đấu. Nếu thế, suy cho cùng, đó cũng chỉ là kiểu tự đánh bóng tên tuổi của cá nhân, chứ không phải cách làm bóng chuyền căn cơ.
 Một dạo, ngoại binh từ Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và châu Âu vốn được ưu ái ở giải vô địch quốc gia, thậm chí là ở cả giải hạng A. Đấy là giai đoạn bóng chuyền Việt Nam hấp dẫn, giàu tính cạnh tranh. Tuy nhiên, về sau vì sử dụng quá ồ ạt, mang tính chộp giật, không tuân thủ bất cứ quy tắc nào, nên ngoại binh trở thành vấn đề nan giải, buộc Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mới tạm thời loại bỏ, chủ yếu để tạo lập lại sự cân bằng cho cuộc chơi, đồng thời khép các đội bóng vào khuôn khổ quan tâm sâu sát hơn đến công tác đào tạo VĐV trẻ, bỏ dần thói quen làm bóng chuyền nửa vời, thời vụ trước đây. Đấy là cách giải quyết hợp tình, hợp lý, bởi lẽ sau vài năm làm cật lực thì giờ đây các đội bóng đã ý thức được cuộc chơi không phải là trò đùa, vẫn cứ phải đàng hoàng mới tồn tại được. Còn đến bao giờ Liên đoàn bóng chuyền cho phép sử dụng ngoại binh trở lại ở giải vô địch quốc gia thì tùy vào chính các đội bóng chứ chẳng ai khác.
Có quá nhiều bài học trong hơn 1 thập niên qua khiến giới hành nghề bóng chuyền trở nên thận trọng hơn khi đề cập đến sự tồn tại của 1 đội bóng, càng khó đặt trọn vẹn niềm tin vào những ông bầu “nói nhanh hơn nghĩ”. Các đội bóng Vietsovpetro, Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương, Cao su Phú Riềng, Maseco TPHCM, Đức Long Gia Lai, Hoàng Long Long An… là những minh chứng cụ thể nhất cho câu chuyện buồn của công tác xã hội hóa trong bóng chuyền. Sau những cú sốc này, bóng chuyền Việt Nam hoang mang và mất niềm tin, đến giờ vẫn chưa lấy lại được, thì những lời có cánh nào đó rất khó có chỗ đứng, trừ khi nó được chứng minh bằng việc làm thực tế, bằng trái tim mà người ta cảm nhận được từ các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục