Kiểm tra doping: Điều cần thiết cho các giải thể thao quốc gia

Việc lấy mẫu thử kiểm tra doping với VĐV thi đấu tại tất cả giải thể thao vô địch quốc gia trong năm 2021 sẽ thực hiện và đó là điều cần thiết...
Đại hội TDTT toàn quốc 2022 sẽ tăng số lượng lấy mẫu thử doping.
Đại hội TDTT toàn quốc 2022 sẽ tăng số lượng lấy mẫu thử doping.

Nhiều hay không nhiều?

 Trong tháng 2 vừa qua trên truyền thông, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam - ông Nguyễn Văn Phú từng chia sẻ, việc lấy mẫu kiểm tra doping cho VĐV tại các giải thể thao vô địch quốc gia năm 2021 được thự hiện ngẫu nhiên trong khoảng 30 người. Trong số này, VĐV của nhóm các môn thể thao mà Việt Nam tập trung cho SEA Games, Asian Games hay Olympic có tổ chức thi đấu giải vô địch quốc gia sẽ được hướng tới để lấy mẫu thử. 

Con số 30 mẫu không lớn và cũng không nhỏ. Bởi lẽ, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam không đơn thuần chỉ lấy mẫu mà còn thực hiện việc gởi mẫu tới phòng xét nghiệm bên ngoài Việt Nam để kiểm tra mẫu thử . Chi phí xét nghiệm từng mẫu là không nhỏ. 

Rất nhiều năm, người làm thể thao Việt Nam nói chung luôn bày tỏ quan điểm để nâng cao ý thức trong việc phòng chống doping nên người làm nghề thấy cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm dù ít hay nhiều trong các giải thể thao quốc gia. Trước năm 2021, hầu hết các cuộc đấu quốc nội đều không thực hiện điều này.

Chỉ khi Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức, việc lấy mẫu thử kiểm tra doping là có. Trường hợp lực sĩ cử tạ Ngô Thị Hạnh đã dính doping ở năm thi đấu 2010 sau khi mẫu thử dương tính. Hiện tại, số mẫu thử kiểm tra doping tại Đại hội TDTT toàn quốc vẫn không quá con số 30.

Kiểm tra doping: Điều cần thiết cho các giải thể thao quốc gia ảnh 1 Lấy mẫu thử doping.
Có thông tin, tất cả phải tìm hiểu

Trong văn bản 382/TCTDTT-TTDP&YHTT do Tổng cục TDTT ban hành và gởi tới ban tổ chức các giải thể thao vô địch quốc gia năm 2021 về việc ngành thể thao sẽ tiến hành lấy mẫu thử ngẫu nhiên để kiểm tra doping các VĐV, một văn bản ban hành danh mục các chất cấm được đi kèm. Danh mục ghi rất cụ thể đó là các chất bị cấm toàn thời gian trong và ngoài thi đấu.

Cơ sở đó để thấy, ngành thể thao có ban hành thông tin cụ thể và ban tổ chức các giải thể thao vô địch quốc gia 2021 phải thực hiện việc thông báo, tuyên truyền thông tin cụ thể tới từng đơn vị, đội thể thao tham dự. Không ai muốn một VĐV nào đó bị phát hiện sử dụng chất cấm. Mọi người khó chấp nhận lý giải rằng vì không biết nên vô tình sử dụng nhưng loại thuốc hay thực phẩm chức năng mà có chứa chất cấm. 

Hai năm trở lại đây, thể thao Việt Nam đã mất điểm khá nhiều trước quốc tế khi chúng ta bị phát hiện 4 tuyển thủ cử tạ dính doping khi tham gia các giải quốc tế (VĐV Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh). Ông Phú từng cho biết trên trang thông tin chính thức của Tổng cục TDTT rằng mỗi VĐV và HLV của thể thao Việt Nam đều có thể cập nhật thông tin về phòng chống doping khi tất cả đã công khai.

Trong 4 năm trở lại đây, tại các giải quốc tế, số VĐV của thể thao Việt Nam được yêu cầu lấy mẫu thử kiểm tra doping ngẫu nhiên đã tăng nhiều hơn. Con số từ một vài tuyển thủ trong năm 2017, VĐV của chúng ta đã được yêu cầu lấy mẫu đến vài chục người trong các môn thể thao khác nhau ở tất cả các giải quốc tế khi tham dự trong năm 2020. Rõ ràng, ban tổ chức các giải thể thao quốc tế đang ngày càng muốn kiểm tra kỹ càng hơn sự minh bạch của VĐV tất cả các quốc gia (không chỉ Việt Nam) sau mỗi lần thi đấu.

Tin cùng chuyên mục