Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình bị "xà xẻo" như thế nào?

Nhiều người đang tỏ ra bức xúc trước việc Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình (gọi tắt là Khu liên hợp) bị “băm” ra bởi việc cho thuê tràn lan, tạo điều kiện cho những vi phạm trật tự xây dựng đô thị điển hình với các điểm cho thuê làm massage, quán bia, phòng tập gym… và cả việc nợ thuế số tiền lớn.

Một góc sân vận động Mỹ Đình
Một góc sân vận động Mỹ Đình

“Xẻ thịt” Khu liên hợp

Khu liên hợp nằm trên diện tích 247ha, có hệ thống cơ sở vật chất quy mô lớn và quan trọng nhất của ngành thể thao nước ta. Thế nhưng, trong quá trình quản lý, hoạt động đã bộc lộ một số vấn đề cần phải được giải quyết dứt điểm, nhất là về quy hoạch, quản lý, hoạt động, đầu tư và khai thác sử dụng công trình.

Theo Quyết định 149/QĐ-TTG tháng 2-2008 của Chính phủ, Khu liên hợp là 1 trong 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục TDTT. Năm 2011, Ban Quản lý Khu liên hợp có công văn đề nghị cho phép trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Sau đó, đơn vị này được Bộ VH-TT&DL cho thí điểm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để tăng nguồn thu. Tới năm 2012, Khu liên hợp được Bộ VH-TT&DL cho phép tự chủ về tài chính.

Theo nhiều người, quyết định này được xem như cách bật đèn xanh để Ban quản lý Khu Liên hợp tiến hành cho thuê mặt bằng, đất đai tràn lan. Trước tình trạng nhếch nhác đó, UBND quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời có văn bản gửi Ban quản lý Khu liên hợp cũng như Bộ VH-TT&DL nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.

Tháng 4-2018, Chính phủ ban hành quyết định để Khu liên hợp thuộc sự quản lý Tổng cục TDTT, thay vì trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Mục đích là nhằm thu gọn bộ máy và tăng cường sự kiểm soát của ngành thể thao với các hoạt động của Khu liên hợp, trong đó có hoạt động thu chi. Đến tháng 7-2018, Bộ VH-TT&DL có công văn chỉ đạo Khu liên hợp phải rà soát lại các hợp đồng liên kết, hợp tác, kinh doanh và đầu tư, gồm cả những hợp đồng đã ký nhưng chưa triển khai thực hiện; dừng khai thác, cho thuê phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai dự án theo quy hoạch. Khu liên hợp phải chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng. Song, tới nay dù đã quá thời hạn nhưng thực trạng Khu liên hợp vẫn không thay đổi.

Mới đây, trả lời báo chí, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “Bộ cũng như Tổng cục TDTT đã có chỉ đạo, đôn đốc Ban quản lý Khu liên hợp thực hiện chỉ đạo. Về phía lãnh đạo Khu liên hợp cũng có báo cáo cho biết một số đơn vị kinh doanh xin được cho thêm thời gian để sắp xếp lại cơ sở... Theo đó, Khu liên hợp xin thời hạn đến 30-9, sau đó nếu đơn vị nào không trả lại mắt bằng sẽ bị cưỡng chế (!?)”.

Xin xóa nợ thuế?

Việc thu hồi mặt bằng, trả lại hiện trạng cũ vẫn còn dùng dằng, mới đây dư luận lại còn “sốc” hơn với thông tin Khu liên hợp nợ tiền cho thuê đất kinh doanh đối với Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm. Một nguồn tin cho hay Khu liên hợp đang nợ thuế gần 70 tỷ đồng, nhưng ở diễn biến khác lại nói đơn vị này nợ thuế lên tới hơn 300 tỷ đồng? Con số cụ thể vẫn còn đang chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng, nhưng mới đây Ban quản lý Khu liên hợp vừa kiến nghị Bộ VH-TT&DL có văn bản “xin” UBND TP Hà Nội miễn nộp, mặc dù đây là Khu liên hợp là đơn vị tự chủ về tài chính (!?).

Câu hỏi đặt ra vì sao lại có sự khác biệt giữa số liệu về thuế giữa Khu liên hợp và ngành thuế, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính những về khoản nợ?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này..

Tin cùng chuyên mục