Không vội

Sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui khỏi vị trí Phó Chủ tịch tài chính, nhiều người quan tâm đến việc ai thay thế. Thậm chí, bầu Đức còn vội vã giới thiệu đích danh ông Nguyễn Hoài Nam, người đã từng “thua” ông Nghĩa tại cuộc đua ở đại hội nhiệm kỳ vào ngày 8-12 năm ngoái.

Thật ra không cần phải vội. Đúng hơn là muốn vội cũng không được. Về nguyên tắc, phó chủ tịch tài chính là vị trí do đại hội đại biểu VFF mới có quyền bầu. Nghĩa là dù gì cũng phải đợi đến đại hội thường niên vào cuối năm, hoặc phải tổ chức đại hội bất thường để tiến hành bầu.

Thời điểm hiện nay, chỉ phân công người kiêm nhiệm chứ không có chức danh chính thức. Kế đến, đây là vị trí liên quan đến lãnh đạo, định hướng, chứ không phải là điều hành thường nhật. VFF đã có các ban chức năng quản lý các vấn đề tài chính, vận động tài trợ nên thiếu ông phó chủ tịch một thời gian ngắn không phải là điều gì quá lớn.

Cũng cần nói thêm một chút về vấn đề tài chính của VFF. Về lý thuyết, tổ chức này có 3 nguồn thu chính: Một là, các giải đấu cấp CLB; hai là, thương quyền các đội tuyển quốc gia; và cuối cùng làm những hoạt động tạo nguồn thu “vãng lai”. Như đã biết, các giải đấu chuyên nghiệp thì đã bàn giao cho Công ty VPF để đổi lấy 10 tỷ đồng tiền “cứng” hàng năm.

Các đội tuyển quốc gia nam, nữ và U.23 cũng ủy quyền cho Công ty quảng cáo Dentsu, đổi lại cũng nhận được trên dưới 50 tỷ đồng/năm. Có thể nói, 2 “sản phẩm” thuần túy kinh doanh đều đã bán hết, nên các nguồn thu còn lại (nếu có) chủ yếu đến từ các mối quan hệ và uy tín của VFF. Mới nghe, tưởng nguồn thu thứ 3 là ít, nhưng kỳ thực đây là khoản tiền không có rủi ro. VFF chỉ nhận ít hoặc nhiều chứ không phải lo lắng chuyện lời - lỗ như 2 nguồn thu chủ lực.

Ví dụ như tiền ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước trong một số công việc cụ thể, như trả lương HLV Park Hang-seo chẳng hạn, tiền quảng cáo truyền hình mỗi khi đội tuyển thi đấu ở Việt Nam, tiền từ ngân sách nhà nước cấp theo tiêu chuẩn, hoặc tiền từ  tổ chức các giải đấu thương mại có đội tuyển tham gia… Số tiền này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào sự năng động và các mối quan hệ của VFF.

Tiêu biểu như có năm, BIDV tài trợ cả chục tỷ đồng cho đội tuyển nữ, hay đội tuyển U.19 Việt Nam hiện do Sơn Falcon tài trợ. Các giải đấu tuổi U hay bóng đá nữ hiện nay cũng không khiến cho VFF phải tốn tiền tổ chức. Những hình thức ủng hộ như thế này, có thể là không đem lại số tiền quá lớn, nhưng lại sẽ rất ổn định chứ không phụ thuộc vào thành tích thi đấu của đội tuyển quốc gia.

Phân tích như vậy để thấy rằng, VFF cần xác định tiêu chí chọn người chứ không phải vội “ấn” một cái tên nào đó vào chỗ ông Nghĩa để lại. Trước hết, cá nhân người đó phải có năng lực tài chính để khi hữu sự vẫn bảo đảm VFF an toàn về tiền bạc. Kế đến, bóng đá Việt Nam hiện đang ở lúc cực thịnh, việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào một nguồn quỹ phát triển bóng đá nào đó mà không đòi quyền lợi sẽ thuận lợi hơn.

Điều này có thể thấy qua số tiền thưởng khổng lồ thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để nhận được sự ủng hộ kiểu như thế này thì vị trí xã hội của tân phó chủ tịch tài chính là thước đo quan trọng nhất.

Tin cùng chuyên mục