Không thể bỏ rơi VĐV

Phải phẫu thuật mới ổn

Hai cô gái vàng của vật nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đều trong tình cảnh chấn thương. Bây giờ là lúc chưa có giải đấu quan trọng và họ đang chờ được trị liệu hiệu quả để bình phục hoàn toàn mới sung sức 100% năng lực...

Không thể bỏ rơi VĐV ảnh 1

Nguyễn Thị Lụa (trái) và Vũ Thị Hằng.  Ảnh: T.L

 Phải phẫu thuật mới ổn

Theo tìm hiểu, Nguyễn Thị Lụa vẫn gặp chấn thương vai và đầu gối dai dẳng. Chúng tôi đã trò chuyện với Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) - ông Nguyễn Thế Long trong ngày 5-10 và được biết kế hoạch khám, chữa dứt điểm cho Lụa là có. “Ban huấn luyện nắm bắt tình hình sức khỏe của VĐV và đã có báo cáo để VĐV như cháu Lụa được đi khám cụ thể. Chúng tôi là người làm nghề biết rằng Lụa đã mất một thời gian dài đồng hành với chấn thương trên và nó xem như bị mãn tính. Nhưng, khi cần chữa trị thì chắc chắn tuyển thủ sẽ được thực hiện dựa trên các kết quả khám, hội chẩn của bộ phận y tế”.

Trong khi đó, HLV trưởng đội vật Việt Nam, ông Đới Đăng Hỷ cũng khẳng định, Lụa cũng được đi khám để chữa thương cho đạt lại thể lực hiệu quả nhất. “Trên đội tuyển, Lụa là một tuyển thủ và thời gian qua, em đã bị chấn thương dai dẳng ở vai. Đầu gối của Lụa đã được trị liệu và tiến triển hồi phục. Quan điểm của chúng tôi là dựa trên kết quả khám từ bác sĩ của bộ phận y tế tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội và bệnh viện thể thao Việt Nam rồi có phác đồ chữa trị thì sẽ thực hiện tốt nhất cho Lụa”, ông Hỷ chia sẻ.

Lụa đang là kỷ lục gia của vật nữ Việt Nam. Chưa một tuyển thủ nào như cô từng giành huy chương Asian Games, huy chương châu Á, huy chương SEA Games và 2 lần liên tiếp dự Olympic (2012, 2016). Ở tuổi 25, Nguyễn Thị Lua đã bước vào độ chín nhất của nghề. Sau Olympic 2016, Lụa gần như ít xuất hiện và cô giành thời gian nghỉ ngơi bình phục tập duy trì chứ không theo cường độ cao. Nhưng, chấn thương phải chữa dứt điểm chứ không thể dai dẳng. Lụa đang là VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam nên nếu không có gì khó khăn, kinh phí chữa trị cho Lụa sẽ do Trung tâm HLTTQG Hà Nội chi trả. Được biết, Lụa vẫn còn mục tiêu quan trọng là ngôi vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2018 sau đây 2 năm. Vì thế, thể thao Hà Nội không thể bỏ lơi tuyển thủ này.

Vũ Thị Hằng đã dự Olympic 2016 nhưng chấn thương lưng khiến cô phút chót không thi đấu tại Rio de Janeiro-Brazil. Ở Đại hội thể thao bãi biển 5-2016, Hằng cũng có tên trong đoàn Việt Nam nhưng cô không ra sân thi đấu. “Chấn thương lưng của Hằng sau trị liệu đã bình phục tốt và VĐV có thể lực tốt trở lại. VĐV này trước mắt không phải phẫu thuật và sẽ đảm bảo được công tác chuyên môn”, ông Hỷ chia sẻ thêm. Hai cô gái vàng của vật Việt Nam cùng thời điểm bị chấn thương. Không ai muốn như vậy nhưng bản thân họ từng chia sẻ luôn muốn được hỗ trợ tốt nhất và đạt được thể lực sung sức nhất mới ra thi đấu.

Mong không bị bỏ rơi

Khi là tuyển thủ quốc gia, họ (Lụa, Hằng) đều được hưởng chế độ đúng quy định. Nếu họ gặp chấn thương, ngành thể thao có quy định để đưa đi khám và chữa trị. “Dựa trên thẩm định chuyên môn y tế và hội chẩn của các bác sĩ khi VĐV đi khám sẽ biết rõ được tình trạng của người bệnh cần chữa trị như thế nào. Lúc đó, chi phí thực hiện là từ phía Trung tâm HLTTQG Hà Nội nơi VĐV đang tập huấn. Nếu chi phí nhiều quá thì sẽ có sự hỗ trợ thêm từ Tổng cục TDTT và cả địa phương nhưng phải theo sự thẩm định chữa trị ở đâu phù hợp nhất”, ông Long cho biết.

Không ít trường hợp VĐV sau thi đấu đã không còn được chế độ chữa trị nếu họ gặp chấn thương như chờ đợi. Trong lúc này, ít nhất, Lụa và Hằng là VĐV trọng điểm nên họ may mắn sẽ được hưởng chế độ chữa trị. Môn vật có đặc thù vận động mạnh nên khi chữa trị chấn thương, VĐV sẽ phải dừng vận động trong thời gian dài. Năm 2017, vật Việt Nam chỉ thi đấu các giải trong hệ thống chứ không tham dự SEA Games. Nếu Lụa và Hằng được điều trị tốt, họ có đủ thời gian để chuẩn bị cho đấu trường Asian Games 2018. Đấy là mới đích ngắm. Tuy nhiên, trước mắt, VĐV phải được chữa khỏi chấn thương đã rồi mới tính tiếp.

 Lệ Dung đã được đi khám

Sau khi giới truyền thông (trong đó có Báo SGGP Thể thao) lên tiếng về trường hợp tuyển thủ đấu kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung gặp khó khăn trong công tác điều trị chấn thương, thì vào ngày 5-10 cô đã được đi khám tại Bệnh viện thể thao Việt Nam để các bác sĩ hội chẩn và biết chính xác mức độ thương tổn của VĐV và đưa phác đồ điều trị cũng như xem nơi nào là phù hợp nhất. “Tôi được chuẩn đoán tổn thương ở cả 2 đầu gối, mất xương và vùng sụn nên sẽ phải phẫu thuật”, Lệ Dung cho biết. Theo Lệ Dung, ngành TDTT cũng xác nhận trường hợp chữa trị của cô là ưu tiên và sẽ có kinh phí hỗ trợ. Bệnh viện thể thao Việt Nam cho biết cũng có thể phẫu thuật được chấn thương. Tuy nhiên, nếu được phẫu thuật tại Singapore, triển vọng hồi phục sau chấn thương cho VĐV là tốt nhất. Sau khi được khám, Lệ Dung sẽ gửi những kết quả khám, phim chụp sang Singapore để bác sĩ tại đó xem xét rồi cho kết luận.


MINH CHIẾN

Tin cùng chuyên mục