
… Mà chỉ có những đội bóng… chưa tốt. Có thể tạm kết luận như vậy về cuộc hội thảo mà chúng tôi cho rằng quan trọng nhất từ trước đến nay do VFF vừa tổ chức. Khổ thay, nó được tổ chức bởi vì hoàn cảnh bắt buộc. Vì thế mới có nhiều chuyện “không xấu” nhưng cũng “chưa tốt”.
Căn cứ theo những tiêu chí AFC, thì làng cầu Việt Nam, từ hạng Nhất đến V-League xuất hiện những nghịch cảnh hết sức hài hước. Kiểu như đội bóng nhà giàu thì lại chưa chắc hội đủ yếu tố chuyên nghiệp bằng những “anh nhà nghèo”. Thế mới thấy rằng, các CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam về đẳng cấp thì như nhau, nhưng về bản chất thì khập khiễng vô cùng. Đấy cũng là lý do tại sao các đội bóng do doanh nghiệp chống lưng thì muốn hoãn V-League còn các đội “sàn sàn” thì… sao cũng được.

Thời điểm này, các CLB muốn làm gì cũng phải… chờ tiền! Ảnh: Hoàng Hùng
Chung qui vì một thời gian dài phát triển nóng, mỗi nơi hình thành CLB theo mỗi kiểu. Thật ra, chẳng có kiểu nào… xấu cả bởi nó vẫn được VFF chấp nhận bấy lâu nay. Nhưng khi cùng ngồi lại với nhau để rà soát, hóa ra đội nào cũng… chưa tốt. Chúng ta hay nói đội SLNA là “căn cơ” nhất khi rất giỏi về đào tạo trẻ, nhưng chính ông Tổng giám đốc của đội này là người vừa công khai đề nghị hoãn V-League. Căn cơ thì căn cơ nhưng tiền chưa có, lấy gì mà tổ chức thi đấu!
Vì vậy, ở các cuộc hội thảo vừa qua, toàn dân chuyên môn tham dự. Và cũng vì vậy, rất dễ nói câu “còn bao nhiêu, đá bấy nhiêu”.
o0o
Vì thực tế, nói thì dễ chứ thời buổi này, không có tiền thì làm được gì! Ông Trần Tiến Đại, Giám đốc điều hành Sài Gòn Xuân Thành có nói một ý là “nếu để đáp ứng tiêu chí ấy, lại cần có rất nhiều tiền”. Mà thời buổi này, cái khó nhất lại chính là tiền.
Ngẫm không sai. Cũng ý kiến từ các CLB cho biết, để đáp ứng các tiêu chí từ AFC ngay lập tức là gần như không thể bởi ngay thời điểm này, muốn để CLB tồn tại thôi đã nan giải lắm rồi. Dù biết là phải hạ mức đầu tư, tiết kiệm để duy trì, nhưng có nhiều khoản chi không thể cắt giảm bởi làm thế thì lại không hội đủ điều kiện tham gia bóng đá chuyên nghiệp. Ví dụ như tiền thuê sân bãi thi đấu, di chuyển, lương cố định và chuyển nhượng cầu thủ. Dù tiết kiệm đến cỡ nào thì các khoản nói trên vẫn không giảm được trong điều kiện vật giá hiện nay.
Còn nữa, thời hạn 27-10 sắp đến sẽ gút mọi thứ để chuẩn bị cho mùa giải mới. Trong khi đó, đến thời điểm này, nhiều đội bóng lâm vào tình trạng thiếu người quyết định và hoàn toàn chưa có kế hoạch chuẩn bị gì cho mùa giải mới. Lý do đơn giản: Muốn làm gì thì cũng phải có tiền. Như vậy, trong vòng 1 tháng mà giải quyết toàn bộ kế hoạch ngân sách cho mùa giải mới là điều không thể thực hiện.
Tóm lại, quyết tâm thì có nhưng biện pháp thực hiện vẫn còn nằm trong những tài khoản vốn còn trống trải của các CLB.
o0o
Ngẫm cho cùng, chẳng có đội bóng nào xấu cả. Ai mà chẳng muốn làm bóng đá tốt đẹp. Nhưng suốt thời gian qua, các CLB thiếu sự định hướng từ VFF hoặc có nhưng khi thực hiện, gần như không có ai giám sát, không có chế tài cụ thể nên mạnh đội nào, đội đó “lách luật”.
Nay, mọi chuyện muốn đi vào đường ray chuyên nghiệp, không phải là điều dễ dàng. Biết là “muộn còn hơn không” nhưng thú thật, chỉ qua một cuộc hội thảo với sự tham gia của đa số những người làm công tác chuyên môn thôi thì chưa đủ. Phải có một cuộc hội thảo dành cho những người đang nắm giữ vận mệnh CLB, lúc đó mới biết “ai tốt, ai xấu”.
Hồ Việt