Không chỉ là các cuộc thách đấu

Câu chuyện thách đấu có lẽ vẫn chưa kết thúc, dù Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã chính thức lên tiếng không cho phép một buổi giao lưu võ thuật như đề nghị của võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores với chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt. 
Võ sư Pierre Francois Flores đã liên tiếp có các trận đấu với một số võ sư trong nước
Võ sư Pierre Francois Flores đã liên tiếp có các trận đấu với một số võ sư trong nước
Chưa kết thúc bởi dư luận, những người hiếu kỳ thì vẫn… chưa chịu yên, trong khi người trong cuộc bên thì mong muốn bên thì lúng túng.
Trong lịch sử võ thuật Việt Nam không hiếm những cuộc thách đấu kiểu cá nhân, nhưng rất nhiều năm qua, điều này gần như không còn tồn tại, nên việc có một võ sư này lên tiếng thách đấu một võ sư khác trở nên ồn ào và thu hút dư luận. Sự việc có lẽ bắt nguồn từ cuộc thách đấu của tay đấm MMA Từ Hiểu Đông với một võ sư thuộc phái nhánh của Thái cực quyền bên Trung Quốc. Nó cũng chỉ là một cuộc giao đấu mang tính cá nhân, với sự chứng kiến của một ít người. Nhưng cái kết bất ngờ khi võ sư Thái cực quyền bị hạ đo ván chỉ trong chục giây trước tay đấm MMA đã khiến cho dư luận bàn tàn về sự thật của các môn phái võ thuật hiện nay; và lập tức nó lan truyền sang nhiều nước.
Không lâu sau đó, võ sư Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores từ Canada về nước và lên tiếng thách đấu với một số võ sư của một vài môn phái trong nước. Mọi chuyện được mạng xã hội lan truyền một cách chóng mặt và báo chí cũng đã bị cuốn theo. Có những trang mạng gần như tường thuật tỉ mỉ diễn biến đi lại, tập luyện của Flores và cổ súy cho những cuộc thi đấu để phân cao thấp. Khi đó, cơ quan quản lý dường như hoàn toàn đứng bên ngoài, không kịp có một động thái nào cho thấy những quy định hiện nay có cho phép các cuộc giao đấu mang tính cá nhân như vậy không, nếu có thì thủ tục ra sao, tổ chức thế nào; nếu không thì phải dẫn ra quy định cụ thể nào…
Và thực tế là khi chưa ai biết quy định như thế nào thì Flores đã kịp có hai cuộc đấu và đều thắng các đối thủ chỉ trong vòng vài phút. Đó là cuộc đấu với võ sư Karate Đoàn Bảo Châu và võ sư cùng phái Vịnh Xuân Trần Lê Hoài Linh. Cả hai cuộc đấu, do không chính thức, nên đều diễn ra trong không gian nhỏ hẹp, số người chứng kiến không nhiều, nhưng được ghi hình đầy đủ. Diễn biến này được truyền lên mạng và thu hút quá lớn người theo dõi, tạo nên một vấn đề đòi hỏi cơ quan quản lý phải chính thức xem xét, để ít nhất cũng đảm bảo an toàn cho những người trong cuộc. Thế nhưng, cho đến nay cũng chỉ mới có Liên đoàn Võ cổ truyền lên tiếng, với tư cách của một liên đoàn trong đó có các môn phái võ thuật liên quan.
Nhưng đây là vấn đề không chỉ dưới góc độ quản lý bởi nó chạm đến nhiều mặt khác. Có phải đã đến lúc các môn phái võ thuật không còn giữ được vị trí và truyền thống mai một đi, khiến cho vai trò của mình ngày càng mất dần trong lĩnh vực võ thuật cũng như đời sống xã hội? Hướng phân tích khác, võ thuật biểu diễn ở các kỳ đại hội thể dục thể thao phải chăng không là thực chất khiến cho người ta phải tìm đến những cuộc thi đấu tuy thực dụng nhưng gần gũi hơn, thiết thực hơn? Còn nhiều khía cạnh khác được đặt ra để giới võ thuật và cơ quan quản lý cần tìm hiểu kỹ, phân tích sâu để có những thay đổi kịp thời cho nền võ thuật Việt Nam ngày càng xứng đáng với truyền thống lâu đời của mình trước sự phát triển quá nhanh hiện nay.

Tin cùng chuyên mục