Khốc liệt như sân chơi World Cup

Qua 4 trận đấu từ đầu vòng loại thứ ba cho thấy những cố gắng rất lớn từ thầy trò HLV Park Hang-seo. Trước đây, chúng ta đã từng xem việc lọt vào vòng loại này như là một kỳ tích, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Việt Nam góp mặt đến vòng này. Mục tiêu chính của chúng ta là thể hiện hết mình ở vòng loại này để xác định vị trí của mình đang đứng ở đâu ở khu vực châu Á.

Đội tuyển Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nhưng lực bất tòng tâm ở sân chơi khốc liệt hiện nay
Đội tuyển Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nhưng lực bất tòng tâm ở sân chơi khốc liệt hiện nay

Đến nay, khi đi được gần nửa vòng loại thứ ba đã xác định được đây là vòng đấu quá tầm với đội tuyển Việt Nam, đó cũng là điều mà chúng ta đã lường trước, dù rằng một số người hâm mộ vốn quá kỳ vọng vào đội tuyển nên chưa hài lòng lắm. Nói cách khác, thế hệ này đã đạt ngưỡng rồi, các em đã làm hết sức và thứ hạng hiện nay âu cũng không có gì là bất ngờ lắm. Sự tiếc nuối nếu có thì cũng ở trận thua vào phút cuối trong cuộc so tài với Trung Quốc hay sự cố gắng trong trận thua Australia.

Nên nhớ đây là vòng loại World Cup chứ không phải là AFF Cup hay Asian Cup. Các đội đầu tư lực lượng rất hùng hậu cho giải đấu này. Việt Nam có một số sự vắng mặt đáng tiếc như Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Lâm. Nhưng nếu có đủ thì cũng chưa hẳn tạo nên sự đột biến ở vòng loại quyết định này đâu. Còn nếu xem vòng loại này như là thước đo để tính toán cho kỳ World Cup 2026 thì chúng ta còn phải làm nhiều lắm. Bộ khung hiện nay sẽ có nhiều gương mặt khó còn hy vọng tham dự ở kỳ vòng loại World Cup sắp tới khi sẽ đến ngưỡng 29-30. Bình thường ở nước ngoài thi độ tuổi này không là vấn đề quá lớn, nhưng với Việt Nam thì phần đông đã tính đến điểm dừng. Vì thế mà lức cầu thủ như Hoàng Đức, Tiến Linh, Quang Hải, Tấn Tài… cần được đầu tư để đủ sức gánh team trong thời gian tới.

Khốc liệt như sân chơi World Cup ảnh 1 Tiến Linh, Hoàng Đức là một trong số ít cầu thủ sẽ là trụ cột cho đội tuyển Việt Nam ở đích ngắm World Cup 2026
Cũng có ý kiến là sau 4 trận chúng ta không còn hy vọng tranh tốp đầu, nên chăng tính toán đưa cầu thủ trẻ, dự bị ra sân để trui rèn. Tôi nghĩ là không nên. Đây là đội tuyển quốc gia, chúng ta đang tham dự một giải đấu lớn nên rất cần tạo hình ảnh bằng một đội hình mạnh nhất. Mặt khác, việc xây dựng lực lượng, định hình lối chơi đã được HLV tính toán từ lâu, những điều chỉnh nếu có là bất khả kháng như chấn thương thẻ phạt. Chứ tung một loạt cầu thủ trẻ là điều không nên, phải là những trường hợp xứng đáng và cần có lộ trình.

Sự kiện đáng chú ý ở 4 trận đấu vừa qua là đội tuyển Việt Nam hay bị vướng phải VAR. Nếu xâu chuỗi các tình huống bị VAR thì tôi cho là… bình thường và nguyên nhân chính từ thói quen của cầu thủ chúng ta ở giải trong nước. Các động tác thừa ở V-League có thể được thông qua, nhưng khi có VAR là khó thoát. Đó là thói quen thôi, nhất là các hậu vệ. Ngoại trừ trận gặp Australia là một lần VAR vận hành trong tình huống bên pần sân đối phương, các trường hợp khác VAR đều soi bên phần sân đội Việt Nam. VAR vẫn còn quá mới với cầu thủ chúng ta và chính thói quen trong thi đấu, động tác thừa, tiểu xảo đã bị các trọng tài lưu ý.

Khốc liệt như sân chơi World Cup ảnh 2 Khó đề cho ông Park mạo hiểm đưa nhiều cầu thủ trẻ vào sân chơi lớn như vòng loại World Cup
Bên cạnh đó, một chi tiết có thể không lớn lắm, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì cũng cần lưu ý. Có thể từ cách phản ứng của chúng ta từ sau trận thua Australia, điều này tôi nghĩ là phần nào ảnh hưởng đến tình cảm của giới trọng tài rồi. Các tình huống 50/50 sau này các trọng tài có khuynh hướng quyết định không nghiêng về đội Việt Nam. Như bàn thắng của Tiến Linh, khi xem VAR trọng tài soi đến 2 tình huống là Tấn Tài có phạm lỗi hay Tiến Linh có việt vị không? Như thể là vạch tìm cho ra lỗi.

Nhìn chung, sân chơi World Cup, hay nói gần hơn là tầm châu Á vẫn còn lắm gian truân. Chúng ta còn phả cần thêm thời gian để thích nghi.

Tin cùng chuyên mục