Khoảng cách giữa phong trào và đỉnh cao

Theo thói quen, một khi thể thao đỉnh cao có được những thành tích nổi bật, mọi người sẽ cho rằng môn đó đang có nền tảng phong trào mạnh. Nhưng thực tế có khi ngược lại.
CLB Sài Gòn Heat (phải) được đầu tư theo phong cách nhà nghề Mỹ, nhưng phong trào thì hầu như đang dần trống vắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
CLB Sài Gòn Heat (phải) được đầu tư theo phong cách nhà nghề Mỹ, nhưng phong trào thì hầu như đang dần trống vắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nghịch lý

Sự “lên ngôi” của bóng đá phủi đã cho thấy bóng đá vẫn là một thể thao chiếm giữ vị trí độc tôn, bất chấp thành tích ở cấp độ đội tuyển cũng như chất lượng V-League đều sa sút so với 10 năm trước. Chính nền tảng phong trào rất rộng, phát triển theo chiều hướng chuyên nghiệp ấy là cơ sở để người ta tin rằng, trong tương lai bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn.

Theo thói quen, một khi thể thao đỉnh cao có được những thành tích nổi bật, mọi người sẽ cho rằng môn đó đang có nền tảng phong trào mạnh. Nhưng thực tế có khi ngược lại. Đơn cử như môn bóng rổ. Kể từ sau hiện tượng CLB Sài Gòn Heat được đầu tư theo phong cách NBA (giải nhà nghề Mỹ), tính đến nay, bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể mà tiêu biểu là sự ra đời của VBA - giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia đầu tiên vào năm 2016, quy tụ được 6 đội bóng mạnh khắp cả nước. Thế nhưng, phong trào bóng rổ không vì thế mà phát triển rộng.

Trong các đợt tuyển quân của các CLB VBA, chỉ tập trung tại các thành phố lớn và cũng chỉ tìm được nguồn cầu thủ đến từ những khu vực có dân cư thu nhập cao, người nước ngoài sinh sống. Số lượng cầu thủ bóng rổ không nhiều, cả nước cũng chỉ hơn 100 cầu thủ được xem là chơi chuyên nghiệp - con số quá nhỏ nếu chúng ta so sánh với dân số, với điều kiện kinh tế ngày một khá cũng như việc chơi bóng rổ rất dễ dàng.

Thiếu “cánh tay nối dài”

Thực tế cho thấy các sân bóng rổ của nhiều trung tâm thể thao hiện nay thường được trưng dụng làm bãi giữ xe, tập dưỡng sinh hay thậm chí là cho thuê mặt bằng tổ chức các sự kiện thương mại… môn có tính phổ cập cao như bơi lội thì những hồ đủ tiêu chuẩn tập luyện đã xuống cấp, hoặc chỉ xây mới trong các khu dân cư cao cấp.

Một thực tế khác: cơ quan quản lý nhà nước phát triển phong trào thông qua “cánh tay nối dài” là các liên đoàn thể thao, nhưng tính hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức xã hội này là cả một vấn đề. Ví dụ như Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã tồn tại suốt 3 thập niên, thế nhưng đội tuyển quốc gia hầu như không đủ khả năng tham gia thi đấu tại SEA Games, trong khi chỉ trong thời gian khoảng 5 năm gần đây, các nguồn lực xã hội lại có thể tự xây dựng một giải đấu nhà nghề riêng, quy tụ được những cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp ở trình độ Đông Nam Á.

Hoặc như môn cầu lông có một Nguyễn Tiến Minh từng xếp hạng 5 thế giới, nhưng số CLB cầu lông chính quy hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giải cầu lông đồng đội toàn quốc hiện chỉ có 7 đơn vị tham gia, còn ở nội dung cá nhân, chỉ có 16 đơn vị cử VĐV tham dự…

Khoảng cách giữa đỉnh cao và phong trào rộng hay hẹp, phần lớn nguyên nhân đến từ cơ quan quản lý nhà nước, bởi nó liên quan đến cơ sở vật chất, chất lượng HLV, sự phối hợp với các đơn vị “đầu ra” cũng như chính sách khuyến khích đầu tư cho các môn thể thao có khả năng phát triển trong quần chúng.

Tin cùng chuyên mục