1. Theo công bố của Đài Truyền hình Việt Nam, toàn bộ 13 trận đấu của Hoàng Anh Gia Lai tại lượt đi sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6. Quyết định này được sự đồng ý của cả VFF lẫn Công ty VPF đang điều hành V-League. Tuy nhiên sau 5 vòng đấu, đã có nhiều phản ứng từ các CLB khác.
Trên lý thuyết, dù là truyền trực tiếp 13 trận của HA.GL nhưng thật ra, các CLB khác cũng được “lên sóng” khi đá với đội bóng này nên không thể nói là quá thiệt thòi. Tuy nhiên, ngay đội đương kim vô địch V-League là Bình Dương cũng chỉ có 7 trận lên sóng VTV, nhiều CLB chỉ được tối đa 3 trận, tỷ lệ quá ít so với HA.GL.

Việc đội Hoàng Anh Gia Lai được VTV quá ưu ái khiến các CLB khác phản ứng mạnh mẽ. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Thực tế, VTV được quyền chọn trận đấu để phát sóng nên dù họ có trực tiếp toàn bộ 26 trận trong mùa của HA.GL thì cũng chẳng có gì sai. Vấn đề nằm ở chỗ, muốn được truyền hình trực tiếp thì các đài phải đăng ký với VPF, thế nên việc công ty này đồng ý ưu tiên các trận đấu của HA.GL khiến các CLB khác phản đối mạnh mẽ. VTV có quyền ưu ái cho HA.GL, nhưng VPF thì phải đại diện cho quyền lợi chung của các CLB tham gia giải đấu. Đấy là chưa kể, ngoài VTV6, một kênh khác của đài truyền hình cáp Việt Nam là Thể thao TV cũng sẽ phát song song, như vậy là những trận đấu của HA.GL có gấp đôi thời lượng sóng trên truyền hình quốc gia. Theo Chủ tịch CLB Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ, thì đây là sự bất công, một kiểu “độc quyền trá hình”.
2. Việc tập trung truyền hình trực tiếp một CLB suốt mùa giải là “lợi bất cập hại”. Ban đầu, sức hút của các cầu thủ U.19 tại HA.GL là có thật, khán giả cả nước muốn xem họ đá nên V-League cũng thu hút được người xem. Tuy nhiên, nếu HA.GL thi đấu không tốt thì sức hút ấy cũng sẽ giảm dần theo thời gian.
Hiện nay, quyền lợi lớn nhất của các CLB tại V-League chủ yếu là được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia, qua đó sẽ bảo đảm lợi ích cho các nhà tài trợ của từng CLB. Với số lượng ít ỏi các trận đấu được lên sóng, những đội “nhà nghèo” như Đồng Tháp, Cần Thơ, Khánh Hòa… làm sao thu hút tài trợ, quảng cáo trên sân bóng. Số tiền họ nhận được từ bản quyền truyền hình hầu như không có, nay đến quyền lợi tối thiểu ấy cũng không nhiều, làm sao có thể đủ tiền để duy trì đội bóng.
Ở góc độ khác, việc cho rằng các trận đấu của HA.GL thu hút được lượng lớn khán giả xem truyền hình cũng chỉ là lý thuyết. Tại V-League hiện nay, không thiếu các CLB có lối chơi đẹp mắt cũng như nhiều trận đấu mang tính chất quyết liệt, hấp dẫn, rất đáng được phổ biến đến người xem, chưa kể việc các đội bóng được lên sóng quốc gia nhiều sẽ phục vụ được người dân địa phương đang xa xứ làm ăn (như các đội SLNA, Thanh Hóa, Hải Phòng…).
Từ đó đã nảy sinh tâm lý: Không lẽ chỉ có HA.GL biết đá đẹp, mới là đội bóng thu hút được nhiều người hâm mộ hay sao? Rồi trong mắt của Công ty VPF và VTV, không lẽ các đội bóng khác không đáng được quảng bá, các trận đấu có tính quyết liệt hơn lại không xứng đáng xuất hiện trên truyền hình? Nói như bầu Đệ của Thanh Hóa thì “cứ bật tivi, mở báo ra thì chỉ toàn thấy HA.GL, vậy thì V-League có còn là một giải vô địch quốc gia mà 14 đội bóng đều khao khát thể hiện hết năng lực của mình phục vụ khán giả hay không?”.
YẾN PHƯƠNG
Các tin, bài viết khác
-
Không có chuyện thanh lý hợp đồng Mansaray
-
Những cái nhất của vòng 2 V-League
-
Quả bóng Vàng Việt Nam chia sẻ hơi ấm ngày Tết đến các cựu tuyển thủ
-
Lee Nguyễn khởi đầu thành công cùng CLB TPHCM
-
Đà Nẵng thắng trận thứ 2 tại LS V-League 2021
-
Ngoại binh solo qua 6 cầu thủ để ghi bàn, TPHCM thắng trận đầu V-League
-
‘Tôi không bất ngờ vì đã có sự chuẩn bị tốt’
-
LS V-League 2021: Becamex Bình Dương đưa Hà Nội xuống vị trí 'đội sổ'
-
Tấn Tài lập công, Topenland Bình Định giành 3 điểm trước Sài Gòn FC
-
LS V-League 2021: Hải Phòng thắng trận thứ hai liên tiếp