Khổ luyện cho phút vinh quang

Thể dục nghệ thuật (TDNT) là môn thể thao mang tính đặc thù, tốn rất nhiều tâm sức và thời gian khổ luyện mà chưa chắc đã thành tài. Cho nên, tìm ra “ngọc thô” để mài giũa cho tương lai vẫn luôn là “cửa ải” khó vượt qua đối với những người làm công tác chuyên môn.
Đội tuyển TDNT TPHCM tranh tài tại giải các nhóm tuổi quốc gia năm 2022
Đội tuyển TDNT TPHCM tranh tài tại giải các nhóm tuổi quốc gia năm 2022

Đau đáu với nghề

TDNT luôn đề cao yếu tố nghệ thuật, kết hợp giữa nhiều kỹ năng trong mỗi bài biểu diễn. Khoác lên mình bộ cánh lấp lánh, các nữ VĐV với gương mặt rạng rỡ thực hiện bài biểu diễn trên nền nhạc một cách uyển chuyển và nhẹ nhàng trong 1 phút 30 giây với bài thi đơn và 2 phút 30 giây với bài nhóm. Để có một bài biểu diễn đẹp mắt như vậy là cả khoảng thời gian dài khổ luyện nhiều năm. Ở đó không chỉ có những giọt mồ hôi rơi, mà còn có cả máu xen lẫn nước mắt của những cô gái bé nhỏ.

Mới 11 tuổi, nhưng Văn Thị Kim Thoa đã có 5 năm gắn bó với TDNT. Tính kiên trì và nhạy bén trong tập luyện giúp Kim Thoa đã được tuyển vào đội tuyển trẻ TDNT TPHCM từ tuyến năng khiếu thành phố. Song ít ai biết được, ở độ tuổi còn nhỏ như thế mà cô bé phải học cách nén nhịn trước cái đau của bài tập dẻo hông, lưng hay xoạc chân. Nhiều lúc “đau đến phát khóc” là điều không thể tránh khỏi khi bị HLV đè dẻo người để đạt mức quy định, hay đó là động tác đi bằng mũi chân, nhào lộn, xoay trên trục của chân… Nhưng đây chính là những bài tập quen thuộc mà Thoa hay các nữ VĐV TDNT phải tập luyện để trở thành một VĐV chuyên nghiệp.

“Em tập môn này từ năm 6 tuổi. Ban đầu, em bị thu hút khi xem các chị lớn biểu diễn cùng dải lụa. Khi luyện tập rồi mới thấy bộ môn thật sự rất khó, nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Để chuẩn bị cho một giải thi đấu có khi phải tập bài cả tháng mới xong. Nhiều lần tập bị dụng cụ đập vào người đau lắm, hay chẳng may bị lật cổ chân, nhưng điều đó cũng chỉ là khó khăn nhỏ không làm khó được em”, Kim Thoa chia sẻ.

TDNT là sự kết hợp giữa ballet, nhào lộn, vũ đạo, các kỹ thuật thân thể cùng với việc sử dụng điêu luyện nhiều dụng cụ như dây, vòng, bóng, chùy hay dải lụa. Trong những bài biểu diễn, các cô gái trong chớp mắt phải di chuyển thế nào để bắt được dụng cụ, nhào lộn cùng các kỹ thuật để giữ dụng cụ không bị rơi nhưng gương mặt vẫn thể hiện được thần thái xinh đẹp nhất. Để làm được như thế, ngay từ khâu tuyển chọn và đào tạo VĐV TDNT đã có những nét khác biệt.

Chị Phùng Lê Thy, Phụ trách môn TDNT TPHCM, cho hay: “Để đào tạo được một VĐV chuyên nghiệp phải mất khoảng thời gian từ 7-10 năm. Nghe có vẻ dài nhưng đối với TDNT không thể ngày một ngày hai là có thể làm được ngay, thậm chí có những động tác VĐV phải tập cả năm trời mới thành được. Một VĐV TDNT thường bắt đầu với bộ môn từ khi mới 4-6 tuổi, làm quen với việc ép dẻo, những động tác chạy nhảy, vượt chướng ngại vật hay nhào lộn, dần dần sẽ tăng mức độ vận động tùy theo lứa tuổi”.

Băn khoăn tìm “ngọc thô”

Thực tế cho thấy, TDNT vẫn luôn gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì lực lượng VĐV nòng cốt. Hiện TPHCM là một trong hai đơn vị (cùng với Hà Nội) của cả nước đầu tư và phát triển môn thể thao này. Nếu tính số lượng HLV, VĐV của đội tuyển trẻ, đội tuyển TPHCM đang tập luyện tại Trung tâm TDTT Hoa Lư (quận 1) thì ở mức khá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 người. Còn lại các VĐV thuộc tuyến năng khiếu ở những đơn vị “vệ tinh” quận, huyện tầm 10 VĐV/đơn vị, tập trung ở quận 1, 4, 11, Bình Thạnh.

Khổ luyện cho phút vinh quang ảnh 1 VĐV Ngô Hải Yến với bài tập ép dẻo
Hàng năm, Liên đoàn Thể dục TPHCM phối hợp cùng HLV TDNT đã đến các trường mẫu giáo, tiểu học, tuyến cơ sở để tuyển chọn VĐV. Tuy vậy, vì một số tiêu chí khắt khe về hình thể, gương mặt, khả năng cảm nhạc nên chỉ tuyển chọn được 1-2 em mỗi năm. “Phải nói rằng, đây là môn có độ khó cao, đòi hỏi VĐV phải thật sự đam mê và kiên trì tập luyện. Ở đó còn có sự kiên trì từ phía HLV, hay chính phụ huynh các em. Có nhiều trường hợp phụ huynh thấy xót con nên không cho các em tiếp tục. Hay có phụ huynh rất ủng hộ, nhưng bản thân các em lại không yêu thích và không muốn tham gia... Do vậy rất ít VĐV có thể theo đuổi và gắn bó với TDNT”, chị Lê Thy bộc bạch.

Cũng theo người phụ trách bộ môn, do độ tuổi các VĐV còn nhỏ nên rất cần sự đồng hành và ủng hộ từ phía phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ mong muốn con cái của mình chuyên tâm cho việc học văn hóa nên không khuyến khích con theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Các em đi học gần như cả ngày nên HLV thường chỉ xếp được lịch tập vào chiều tối, do đó đôi khi làm nhiều VĐV mệt mỏi khó chuyên tâm trong tập luyện.

Bài toán tìm lực lượng đã khó, TDNT TPHCM còn vấp phải rào cản về cơ sở vật chất để phát triển phong trào. Nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Sở VH-TT TPHCM, kể từ năm 2009, các VĐV TDNT thành phố đã ổn định được nơi tập luyện tại lầu 3 Trung tâm TDTT Hoa Lư với không gian rộng rãi và khang trang, được đầu tư các dụng cụ đúng chuẩn, những trang thiết bị hỗ trợ trong quá trình tập luyện. Nhưng tính ra, toàn thành phố chỉ có một sân tập đúng chuẩn như thế. Ở những đơn vị “vệ tinh”, địa điểm tập luyện của các VĐV thường ở chân cầu thang hoặc các dãy hành lang tại các trung tâm thể thao, có lúc phải chịu cảnh mưa dột, hay buộc phải ngưng tập nếu đội tuyển khác cần nơi tập luyện.

“Để có thành tích cao ở TDNT thì phong trào cần phát triển mạnh. Chúng tôi luôn mong muốn các VĐV ở quận, huyện có thể được quan tâm nhiều hơn, có địa điểm tập luyện ổn định. Từ đó trở thành những nguồn “ngọc thô” chất lượng cho các tuyến trên”, phụ trách môn TDNT TPHCM Phùng Lê Thy nói.

Tin cùng chuyên mục