Khi vui thì vỗ tay vào

Đội tuyển Việt Nam sau chức vô địch AFF Cup đã tiếp tục trẻ hóa với việc bổ sung những cầu thủ ở lứa U.21. Kết quả thi đấu trận đầu tiên của đội tuyển có nhiều tân binh rất khả quan với trận hòa CHDCND Triều Tiền 1-1. Nhiều người sẽ có cảm giác tài năng của bóng đá Việt “như lá mùa thu”, ai lên tuyển cũng được?!
Các tuyển thủ U23 và đội tuyển quốc gia đều đang thể hiệ rất ấn tượng ở đấu trường V-League.
Các tuyển thủ U23 và đội tuyển quốc gia đều đang thể hiệ rất ấn tượng ở đấu trường V-League.

Nhưng, không biết có ai đặt câu hỏi: Những cầu thủ đó ở đâu ra? Hay đơn giản chỉ là đào tạo xong rồi “cứ thế lên tuyển”? Không biết trong thời điểm ai nấy đều lâng lâng với khí thế đang lên của nền bóng đá thì có ai quan tâm đến hệ thống thi đấu của các CLB hay không? 

Sau kỳ tích ở giải U.23 châu Á, cứ tưởng V-League sẽ khởi sắc mạnh mẽ. Thực tế thì số lượng khán giả đến sân có tăng nhưng không nhiều. Chi tiết hơn, lượng khán giả chỉ tăng ở 2 sân Hàng Đẫy và Nam Định, trong khi các sân khác thì sụt giảm thấy rõ. V-League cũng thiếu sự cạnh tranh do Hà Nội FC quá mạnh.

Hoàn toàn không có doanh nghiệp mới tham gia làm bóng đá, ngay cả Tập đoàn FLC còn rút khỏi Thanh Hóa vì lý do cơ chế. Đội tân binh của V-League 2019 là một cái tên cũ (Viettel) trong khi cả khu vực ĐBSCL biến thành “vùng trắng” bóng đá đỉnh cao. Tóm lại, điểm sáng duy nhất ở phần “hạ tầng” của nền bóng đá là sự vượt trội của Hà Nội FC vốn đã quá mạnh suốt 10 năm qua. 

Chưa biết mùa giải 2019 sắp đến sẽ ra sao nhưng qua những gì xảy ra ở năm 2018, có thể thấy có một khoảng cách rất lớn giữa mối quan tâm ở đội tuyển quốc gia so với hệ thống thi đấu CLB.

Những doanh nghiệp bỏ tiền thưởng cho đội U.23 hay đội tuyển quốc gia không tương đồng với các nguồn tiền đầu tư cho bóng đá khác.

Khán giả đến sân xem đội tuyển cũng không phải là đối tượng phục vụ tại cấp CLB, chưa nói đến sự đìu hiu ở các giải bóng đá trẻ. Xã hội có vẻ như quan tâm nhiều đến phần ngọn của nền bóng đá, không nhiều người nghĩ đến việc nếu hệ thống thi đấu nội địa, bao gồm cả những giải U mà không khởi sắc thì lấy đâu ra nguồn cầu thủ cho đội tuyển, lấy đâu động lực để các CLB tổ chức đào tạo bóng đá trẻ bài bản hơn.

Đây chính là thách thức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 8. Tổ chức này chắc chắn biết rõ rằng nền tảng, xương sống của nền bóng đá là hệ thống CLB. Việc thành tích của đội tuyển có tốt thì cũng chưa chắc tạo ra sự khởi sắc của V-League.

Những gì mà bóng đá Việt Nam đang có hiện nay nhờ một quá trình bền bỉ đóng góp của một số CLB có truyền thống như SLNA, Hà Nội FC, HA.GL, B.Bình Dương… cũng như một số giải U.19, U.21 được kiên trì tổ chức nhiều năm qua dù rất khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, nếu số doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc, nếu các giải đấu U không nhận được sự quan tâm của xã hội thì sẽ đến lúc nguồn cầu thủ cũng cạn kiệt. Khi ấy, HLV Park Hang-seo có tài ba đến đâu cũng chẳng thể duy trì được vị thế cho bóng đá Việt Nam.

VFF hiện “kinh doanh” khá tốt nhờ thành tích của đội tuyển, nhưng đấy chỉ là phần ngọn, cũng chẳng đáng là bao so với số tiền mà một mùa giải V-League hay hạng nhất phải tiêu tốn.

Những hình ảnh cuồng nhiệt trên khán đài khi đội tuyển quốc gia thi đấu không che khuất được sự đìu hiu ở nhiều sân bóng V-League hay các giải trẻ.

Thế nên, bên cạnh niềm vui vẫn còn đó vô số nỗi lo. Bóng đá Việt Nam không thiếu những giai đoạn hết thăng rồi trầm chỉ vì “Khi vui thì vỗ tay vào…rồi thôi”.

Tin cùng chuyên mục