Khi trụ hạng là mục tiêu sống còn

Những trận thua của các đội bóng V-League tại cúp quốc gia cho thấy một dấu hiệu rất quan trọng ở phần còn lại của V-League mùa này: tất cả phải dồn sức cho mặt trận trụ hạng như một mục tiêu mang tính chất sống còn.

V-League đang đến hồi chạy đua quyết liệt. Ảnh: MINH HOÀNG
V-League đang đến hồi chạy đua quyết liệt. Ảnh: MINH HOÀNG

Công bằng mà nói, các đội bóng V-League hoàn toàn không có ý định “buông” cúp quốc gia. Trận thua bất ngờ của Topenland Bình Định trước Long An giống như một tai nạn, bởi chính đội chủ sân Qui Nhơn đã chủ động đổi thủ môn vào bắt phạt đền, cũng là một phần nguyên nhân để thủng lưới bàn phút cuối.

Dù không “buông” nhưng thực tế thì các đội V-League đều dùng đội hình dự bị cho cúp quốc gia, việc thất bại hoàn toàn có thể hiểu được. Bóng đá Việt Nam không có quá nhiều sự chênh lệch giữa các đội bóng, đặc biệt là khi không có ngoại binh trong đội hình. Việc các đội V-League để thua đội hạng nhất không thể xem là bất ngờ, hoặc đánh giá thái độ thi đấu của các cầu thủ.  

Nhưng có lẽ, nguyên nhân quan trọng hơn tất cả, đó là các CLB V-League chẳng còn tâm trí đâu để chơi tốt ở cúp quốc gia, nhất là khi khoảng thời gian giữa 2 giải đấu quá ngắn. Mật độ thi đấu dồn dập, trung bình 4,5 ngày/trận kể từ tháng 3 đến nay đã bào mòn sức lực cũng như trạng thái thi đấu của các cầu thủ. Quãng nghỉ 1 tuần giữa sau vòng 10 V-League là cơ hội quý để các đội “nạp năng lượng” nên không HLV nào mạo hiểm đưa đội hình chính ra sân đá cúp quốc gia.

Khi trụ hạng là mục tiêu sống còn ảnh 1 Quãng nghỉ 1 tuần sau vòng 10 giúp các đội bóng "nạp thêm năng lượng" cho cuộc đua phía trước.
Hãy thử tưởng tượng, vào ngày thứ 4 tới (28-4), Topenland Bình Định phải đá trên sân Hàng Đẫy của Hà Nội FC, thì không thể có chuyện 4 ngày trước đó họ lại đá cúp quốc gia bằng đội hình 1. Các cầu thủ tốt nhất thậm chí còn nên phải di chuyển sớm ra Hà Nội để làm quen khí hậu và sân bãi. Đó là trận đấu mà thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng buộc phải thắng nếu muốn duy trì hi vọng vào tốp 6. Bằng ngược lại, có khi họ rơi xuống vị trí áp chót bảng xếp hạng.

Bóng đá Việt Nam có một sự mâu thuẫn khá thú vị. Các đội hạng nhất thường có xu hướng “không muốn thăng hạng” vì họ sợ không có tiền để thi đấu. Nhưng các đội V-League thì lại tìm cách trụ hạng bằng mọi giá, kể cả khi… không có tiền. Trường hợp của Than Quảng Ninh là ví dụ điển hình. Sẵn sàng nợ lượng, thưởng cầu thủ nhưng dứt khoát… không từ bỏ sân chơi V-League.

Nói cho cùng, người ta tốn tiền “mua suất” đá V-League chứ chuyện để xuống đá hạng nhất thì quá đơn giản. Một doanh nghiệp khi đầu tư vào một đội bóng V-League, tức là đã tốn kém rất nhiều. Việc đầu tư ấy có hiệu quả hay không, thì cũng phải trụ hạng vài mùa mới  nhìn thấy được. Đã đầu tư, là phải chấp nhận, nên chẳng ai thích thú gì với chuyện xuống hạng để nhẹ chi phí cả.

Khi trụ hạng là mục tiêu sống còn ảnh 2 Tân binh Bình Định đang nỗ lực đua trụ hạng.
Cuối cùng, xét trên tương quan thi đấu của mùa giải hiện nay, chưa có đội nào rơi vào tình trạng bi quan, nên về nguyên tắc, họ phải dồn toàn bộ sức lực cho cuộc chiến trụ hạng. Hà Tĩnh là đội đang đứng chót, nhưng vẫn đang có 9 điểm, tức là chỉ kém đội đứng hạng 9 là Topenland Bình Định có 3 điểm mà thôi.

Đây là lý do mà Hà Tĩnh có thể thoái mái đá cúp quốc gia để thắng Công an Nhân Dân 4-2 nhưng với Topenland Bình Định thì không. Đầu mùa, họ đã đặt mục tiêu tốp 6, nên bây giờ đang ở tình cảnh khó khăn hơn Hà Tĩnh gấp bội phần. Hoàn cãnh của Topenland Bình Định cũng là của Bình Dương, Thanh Hoá, SLNA hay Sài Gòn đó thôi.

Tin cùng chuyên mục