Khi SEA Games 31 về với nhân dân

Đánh một giấc thật sâu sau buổi chiều tối sát cánh cùng U23 Việt Nam cho trận ra quân môn bóng đá nam SEA Games 31, nhóm phóng viên SGGP chọn quán bánh cuốn nóng có tiếng ở TP Việt Trì để nạp năng lượng cho ngày làm việc mới. Chỉ vài phút cầm trên tay đôi đũa, nhưng câu chuyện bên trong quán mà chúng tôi cảm nhận được chỉ liên quan đến bóng đá, về chiến thắng 3-0 của thầy trò HLV Park Hang-seo trước U23 Indonesia ở trận mở màn môn bóng đá nam SEA Games 31.

Người dân Phú Thọ háo hức đi xem U23 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 31. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Người dân Phú Thọ háo hức đi xem U23 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 31. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Người dân vào ăn bàn ra, tán vào đầy sôi nổi chỉ về một chủ đề. Dù quen biết hay không thì giữa họ có sợi dây kết nối là U23 Việt Nam. Những người hâm mộ chỉ biết thưởng thức và yêu bóng đá, nhưng họ lại thích bình luận như rành về chuyên môn: Khen cầu thủ này hay, chê cầu thủ này chưa được, nếu tình huống này chuyền bóng thế này thì sẽ có bàn thắng... Bầu không khí càng trở nên rôm rã hơn khi có một người đàn ông bước vào với giọng đã khàn đi vì tối qua đã cháy hết mình cùng Hùng Dũng và đồng đội trên sân Phú Thọ.  

Còn ở góc nhỏ trong quán ăn, một người đàn ông trung niên tay cầm điện thoại gọi cho người nào đó ra giá vé “chợ đen”. Nghe ông hét lớn: “5 triệu cho khán đài A” cho trận đấu tiếp theo gặp U23 Philippines cũng không làm người viết bất ngờ. Bởi đây cũng là mức giá mà các phe vé từng đứng rao bán ở cổng sân Phú Thọ - một ngày trước trận U23 Việt Nam - U23 Indonesia. Bà chủ quán lọ mọ chạy đến hỏi có giảm không để mua?

Khi SEA Games 31 về với nhân dân ảnh 1 Đỗ Hùng Dũng và các đồng đội giành chiến thắng dưới bầu không khí cuồng nhiệt ở sân Phú Thọ
Với những TP lớn như Hà Nội và TPHCM, việc đón các đội tuyển quốc gia, những ngôi sao bóng đá Việt về phô diễn kỹ thuật như “cơm bữa”. Nhưng với người dân Phú Thọ - đó là niềm ao ước từ rất lâu ở địa phương “vùng trắng” trên bản đồ bóng đá đỉnh cao V-League. Nhớ lại cách đây 3 năm, khi lần đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa U23 Việt Nam về quê Tổ vua Hùng, người dân địa phương đã rủ nhau đi “trẩy hội”, phủ kín khắp 4 khán đài sân Phú Thọ. Và bầu không khí còn náo nhiệt hơn khi ban tổ chức SEA Games 31 đưa đến quyết định lịch sử: đưa môn bóng đá nam về quê Tổ vua Hùng.

Nhìn vào “biển người” màu đỏ ở sân Phú Thọ để chào SEA Games 31, những người làm công tác tổ chức đã bước đầu thành công khi đưa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng về với nhân dân. Bởi suy cho cùng, bóng đá gắn liền và len lỏi vào trong đời sống - xã hội. Bóng đá Việt Nam cần khán giả và ngược lại, khán giả cũng tìm đến bóng đá không chỉ giải trí mà còn kích thích niềm tự tôn dân tộc.

Khi SEA Games 31 về với nhân dân ảnh 2 Người dân Phú Thọ yêu U23 Việt Nam
Sau chiến thắng của U23 Việt Nam vào tối qua, ông Ngô Đức Quý - Giám đốc Trung tâm quản lý, khai thác Khu Liên hợp Thể dục thể thao Phú Thọ tâm sự với người viết: “Dân ở đây mê bóng đá lắm! Hiếm có sân bóng nào không có đội V-League nhưng lại chật cứng khán giả mỗi khi có U23 Việt Nam về thi đấu. Trận giao hữu gặp U20 Hàn Quốc hôm trước chỉ hòa. Nhưng hôm nay U23 Việt Nam thắng trận mở màn SEA Games 31, mong sẽ mang đến vận may để bảo vệ được tấm huy chương vàng môn bóng đá nam”.

Phú Thọ - là cội nguồn của dân tộc. Và cũng hy vọng địa phương sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games 31 của HLV Park Hang-seo và học trò.

Tin cùng chuyên mục