Từ chỗ bị báo chí Anh chê bai đủ điều và bị đánh giá là khó thoát khỏi thất bại, thầy trò Roy Hodgson đã “bất ngờ” thắng Thụy Sĩ 2-0 đầy thuyết phục. Họ đá nhanh và tạo ra nhiều cơ hội đến mức lẽ ra phải thắng nhiều hơn và thắng sớm hơn thay vì phải đợi đến phút 59 mới mở tỷ số và phút 90 mới ấn định được kết quả nhờ công tiền đạo Welbeck. Điều gì đã tạo nên sự chuyển mình này?

Raheem Sterling (trái, Anh) với pha đi bóng khiến Ricardo Rodriguez (Thụy Sĩ) chới với.
Thắng lợi 2-0 ấy đến từ 3 yếu tố: Một chút “tinh chỉnh” trong sơ đồ chiến thuật, phong độ khá hơn hẳn của Rooney và sự tỏa sáng của Danny Welbeck với 2 lần ghi bàn. Những nhân tố ấy đã tạo nên một trong những trận cầu hay nhất của triều đại Hodgson - chắc chắn là phải hay hơn trận thắng Na Uy 1-0 hôm 5-9 nhiều. Họ chuyền bóng tự tin, ăn ý và đặc biệt nhất là rất giàu tốc độ khi tấn công. Nhờ vậy, họ không chỉ nắm ưu thế trong phần lớn trận đấu mà còn thắng đẹp một Thụy Sĩ vốn đã 9 lần liên tiếp bất bại trên sân nhà.
Trước hết, hãy bắt đầu từ sơ đồ chiến thuật. Hodgson vẫn dùng 4-4-2 nhưng không còn dàn ngang hàng tiền vệ như trước. Thay vào đó, ông bố trí theo hình thoi, với Raheem Sterling nhô cao nhất. Dư luận bóng đá Anh chỉ mong bấy nhiêu đó và bản thân Sterling cũng chỉ chờ có bấy nhiêu đó. Được phát huy vị trí sở trường, Sterling đã nhiều lần nương theo cách di chuyển của Welbeck-Rooney phía trước mặt để thoăn thoắt đi bóng vào các khu vực được cho là vững nhất của hàng hậu vệ Thụy Sĩ. Hầu như anh xuất hiện chỗ nào thì chỗ đó chao đảo.
Chỉ cần điều chỉnh vị trí Sterling như vậy là đã quá tốt rồi. Nhưng cũng như đã nêu trên, nhờ Welbeck xông xáo và Rooney cũng chơi tốt, hàng công của đội tuyển Anh càng nhanh hơn, thanh thoát hơn. Bàn mở tỷ số ở phút 59 chính là một điểm sáng: Cướp được bóng ở vòng tròn trung tâm, Rooney tức tốc sấn vào khu vực phòng thủ của Thụy Sĩ. Một đường chuyền sang phía trái cho Sterling rồi một quả căng bóng vào về phía cột dọc thứ nhì cho Welbeck, thế là có bàn thắng. Sự độc đáo của tình huống này nằm ở tốc độ triển khai cuộc phản công, cái cách họ nhận bóng-chuyền ngay, độ chính xác của từng đường chuyền cũng như cái cách họ chạy chỗ mà khỏi cần nhìn như đã được lập trình sẵn rồi.
Bàn ấn định 2-0 cũng gần giống như thế: Bóng chuyển từ Sterling sang tiền đạo dự bị Lambert rồi Welbeck. Trước khi dứt điểm, Welbeck còn thừa thời gian hãm một nhịp cho thật “đúng bài”.
* * *
Tất nhiên, như vậy không có nghĩa đây là một trận thắng hoàn hảo. Đội tuyển Anh lẽ ra phải có sớm 1-2 bàn ngay từ hiệp đầu chứ không phải chờ đến giữa hiệp nhì như thế này. Một quả đánh đầu của Phil Jones bị thủ môn xuất sắc đẩy ra ngoài. Rooney cũng 2 lần bị từ chối bàn thắng. Đáng tiếc nhất là Welbeck: Trong một tình huống có đến 3 chọi 1, Welbeck lẽ ra phải mạnh dạn sút ngay thì anh lại ngại ngần chọn một đường chuyền và anh chuyền không trúng chỗ Sterling. Cũng may mà Welbeck đã không bị tác động mạnh bởi cú hỏng ăn ấy.
Trong phòng ngự cũng còn nhiều chệch choạc. Đã có lúc Phil Jones vừa lấy bóng xong đã đưa ngay cho Shaqiri, vị trí nguy hiểm nhất của Thụy Sĩ. Rất may là thủ môn Joe Hart đã dùng chân cản được bàn thua trông thấy. Tương tự, hậu vệ Cahill cũng cứu nguy một bàn thua trông thấy khi tuyển Anh vẫn còn đang dẫn 1-0. Tiền vệ Fabian Delph cũng rất may mắn mới tồn tại được trên sân sau 2 pha phạm lỗi thẻ đỏ chỉ trong vòng chưa đến 10 phút đầu. Những hình ảnh ấy nói rằng thầy trò Hodgson còn phải tự hoàn thiện rất nhiều trên con đường dài phía trước.
Có điều, một khi họ đã thắng được trên sân Thụy Sĩ - trận khó nhất trong hành trình vòng loại Euro 2016, những chặng còn lại với các đối thủ nhỏ bé như San Marino và Estonia chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn, đỡ áp lực hơn và dễ... “tập tành cho mai sau” hơn. Vì thế, khi nghiệm lại trận thắng 2-0 vừa qua tại Basel, báo chí Anh chỉ tiếc 2 điều: Một vì không thắng nhiều hơn, sớm hơn nữa. Hai là tiếc cho World Cup 2014: Giá như lúc ấy thầy trò Hodgson cũng đá bằng hình ảnh như trận 2-0 này thì đỡ biết mấy.
Hưng Nguyên