Khi giá trị của AFF Cup tăng phi mã

Trở về sân chơi khu vực sau liên tiếp thất bại ở cấp độ châu lục, các “ông lớn” Đông Nam Á rất khát một danh hiệu để không chỉ kiếm tìm niềm vui mà còn khẳng định uy quyền.

Đội tuyển Việt Nam hạ chỉ tiêu bảo vệ chức vô địch AFF Cup. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển Việt Nam hạ chỉ tiêu bảo vệ chức vô địch AFF Cup. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đội tuyển Việt Nam đã có lần đầu tiên vào đến vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Chiến tích ấy trở thành điểm sáng để cứu sinh cho hệ thống các giải đấu Quốc gia gần như tê liệt bởi dịch Covid-19. Lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 là dấu ấn lớn, nhưng với người hâm mộ và thậm chí cả lãnh đạo bóng đá Việt Nam, bảo vệ chức vô địch AFF Cup mới mục tiêu tối thượng.

Từ châu Á hạ độ cao xuống Đông Nam Á, thầy trò HLV Park Hang-seo chắc chắn dễ thở hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam sẽ vơi dần áp lực. Lọt vào tốp 12 đội tuyển mạnh nhất châu Á, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi sự so sánh với Thái Lan - đội tuyển từng 5 lần vô địch AFF Cup và cũng lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018, bên cạnh Malaysia hoặc Indonesia. Vì thế, chức vô địch AFF Cup 2020 sẽ khẳng định sức mạnh tuyệt đối của thầy trò HLV Park Hang-seo với các đối thủ khu vực.

Khi giá trị của AFF Cup tăng phi mã ảnh 1 Công Phượng và đồng đội được các đối thủ trong khu vực đánh giá cao
Đầy mỹ mãn nếu đội tuyển Việt Nam kết thúc năm 2021 bằng việc bảo vệ “ngai vàng” AFF Cup. Chức vô địch sẽ tiếp thêm niềm tin, hưng phấn cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở phần còn lại của vòng loại World Cup 2022. Thậm chí, ý nghĩa mà cúp vàng Đông Nam Á mang đến còn vượt khỏi biên bóng đá. Tạo động lực, và cỗ vũ tinh thần cho người dân Việt Nam sau thời gian dài gồng mình với cuộc chiến chống Covid-19. HLV Park Hang-seo và học trò cũng nhận thức được những kỳ vọng mà mọi người đang đợi chờ ở phía sau.

Thái Lan - kỳ phùng địch thủ của Việt Nam cũng vậy. Năm 2018, đội tuyển xứ chùa Vàng thất bại ở AFF Cup cũng vì... nghĩ đến giấc mộng châu Á. Sau thất bại ở Asian Cup 2019, vòng loại World Cup 2022 và đặc biệt 3 năm đặt dưới sự thống trị của Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) cược vào trận “đánh lớn” ở AFF Cup 2020 để lấy lại hình ảnh, danh dự. Triệu tập những cầu thủ tốt nhất của bóng đá nước nhà, trong đó có bộ đôi đang chơi bóng ở J-League Chanathip và Theerathon là chứng minh rõ nét cho quyết tâm của thầy trò HLV Mano Polking.

Khi giá trị của AFF Cup tăng phi mã ảnh 2 Thái Lan quyết tâm đòi lại vị thế "ông vua" Đông Nam Á
Chung hoàn cảnh với Thái Lan còn có Indonesia. Có lẽ, đội tuyển xứ Vạn đảo khao khát danh hiệu AFF Cup hơn các đối thủ trong khu vực nào khác. Năm lần vào chung kết, và cả 5 lần Indonesia ngậm ngùi về nhì.

Malaysia không có đội hình mạnh nhất dự AFF Cup 2020, và có thể tham vọng của thầy trò HLV Tan Chang-hoe bị đặt dấu chấm hỏi. Tuy nhiên, họ đến Singapore không phải dạo chơi. Giống hệt mùa giải 2018, Malaysia rơi vào trạng thái rối bời trong khâu chuẩn bị, nhưng vẫn cán đích ở vị trí thứ 2 chung cuộc. Họ tung tin “hỏa mù” trước khi đẩy đối thủ vào bẫy giăng sẵn.

Ngoài ra, Malaysia cũng xem AFF Cup 2020 là “thuốc thử” hạng nặng trước khi hướng đến vòng loại Asian Cup 2023 với mục tiêu giành vé dự vòng chung kết. So với Việt Nam hay Thái Lan, Indonesia và Malaysia bị đánh giá thấp hơn. Nhưng việc thi đấu bằng tâm thế “cửa dưới”, không nhận nhiều áp lực so với đối thủ trực tiếp thì biết đâu một trong 2 đội sẽ tạo nên được bất ngờ?

Suy cho cùng, trước khi quay trở lại với cấp độ châu lục, Việt Nam hoặc bất kỳ đội tuyển nào khác trong khu vực cần phải là số 1 Đông Nam Á. Và AFF Cup 2020 để tất cả khẳng định vị thế.

Tin cùng chuyên mục