Khắt khe vừa đủ

Thông tin của Ban tổ chức V-League cho biết, vòng 9 diễn ra hồi cuối tuần vừa qua có lượng khán giả trung bình hơn 10.000 người, đây là mức cao nhất trong 2 năm qua. 

Rất tiếc, sân Thống Nhất vẫn nằm trong nhóm có số khán giả thấp nhất giải, với trận Sài Gòn - Thanh Hóa chỉ 4.000 người đến sân, đa phần là CĐV của đội khách. Trước đó, tại vòng 8, trận TPHCM chỉ có 8.000 người; trận “derby Sài Gòn” giữa 2 đội, cũng chừng đó người xem. Đây là một nghịch lý, bởi 2 đội bóng của TPHCM hiện đang dẫn đầu V-League, điều mà ngay ở thời hoàng kim, cũng không phải lúc nào Cảng Sài Gòn và Công an TPHCM cũng làm được. Chưa bao giờ cơ hội vô địch lại lớn đến thế với bóng đá TPHCM. Nhưng xem ra, chừng đó vẫn chưa đủ.

Thực tế thì các sân bóng ở đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM rất khó chật kín người xem như các địa phương. Nhu cầu là có, nhưng các kênh giải trí lại quá nhiều, nên khán giả trở nên khắt khe hơn khi chọn lựa sẽ đến đâu để bỏ tiền. Hơn nữa, các trận đấu sau Covid-19 diễn ra ở những ngày trong tuần, không hẳn các thứ bảy hay chủ nhật, cũng khiến việc đến sân trở nên khó khăn hơn với CĐV. Nhưng các lý do khách quan đó chưa đủ để lý giải việc sân Thống Nhất không đông, bởi theo lịch thi đấu, mỗi đội bóng của TPHCM 2 tuần mới đá một trận. Nếu yêu thích, không có lý do gì đến không đến sân.

Hiểu theo nghĩa tích cực, việc khán giả đến sân chưa đông là động lực để các CLB của thành phố phải nỗ lực hơn trong thi đấu. Người hâm mộ đã phải đợi quá lâu, suốt từ năm 2003 đến nay. Khoảng thời gian đó có thể khiến mọi cảm xúc trở nên nguội lạnh. Đấy là cái lỗi của những nhà làm bóng đá và hậu quả đương nhiên họ phải gánh chịu. Đành rằng các đội bóng thành phố đang đá tốt, nhưng người hâm mộ vẫn có quyền nghi ngờ, các phong độ ấy có khi là nhất thời, chưa chắc đã lâu dài. Bài học thời Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn hãy còn đấy.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Người hâm mộ cũng cần mở lòng ra nhiều hơn, tăng thêm sự cổ vũ. Việc người hâm mộ đến sân đông sẽ khiến các CLB có trách nhiệm hơn với bóng đá thành phố. Với các nhà đầu tư đang sở hữu CLB, họ cũng sẽ thấy việc mình làm đem đến những giá trị nhất định và có thể sẽ gắn bóng lâu dài, có chất lượng hơn. Nếu đòi hỏi CLB phải có thành tích thì mới đến sân, sẽ làm cho sự hòa nhập của đội bóng trở nên khó khăn hơn. Bởi nói cho cùng, chẳng có ai đầu tư cho bóng đá mà không ham muốn thành tích. 

Mùa giải 2020 đang thuận lợi cho bóng đá TPHCM. Một chức vô địch ở năm có ý nghĩa như thế này chắc chắn sẽ là động lực để bóng đá thành phố thực hiện một cuộc chuyển mình thực sự. Nên nếu để sân Thống Nhất vẫn xếp chót về số lượng khán giả thì đấy cũng là một mất mát của thành phố, xét ở góc độ tinh thần.

Tin cùng chuyên mục