Bảng A (Vũng Tàu): Chú lính chì quật khởi!
Trước khi vào trận, Quân khu 5 lép vế hoàn toàn so với Tràng An Ninh Bình (TA.NB). Lý do rất đơn giản: Quân khu 5 toàn… thua 5 trận ở vòng 1, đứng đội sổ và cửa đi “chung kết ngược” gần như đã được xác định cho họ.
Trong khi đó, đội bóng Ninh Bình toàn thắng cả 5 trận và nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch cả mùa bóng 2008. Vậy nhưng, thật bất ngờ, các tay đập khoác áo lính đã chơi một trận tưng bừng để thắng ngược TA.NB với tỷ số 3-2. Đấy là một cuộc quật khởi đầy ngoạn mục.
Sau 2 ván đầu tiên, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Nghĩa là TA.NB dẫn trước 2-0 (24/21 và 31/29) và tuy có hơi vất vả, nhưng giới chuyên môn đều cho rằng chiến thắng chung cuộc 3-0 chắc chắn nghiêng về đội bóng Ninh Bình.
Thế nhưng, đấy lại chính là thời điểm đội bóng Quân khu 5 “bốc” lên mãnh liệt. Sự xuất hiện của chủ công Joni (14) đến từ Indonesia giúp lối chơi của Quân khu 5 tươi mới hơn. Vốn dĩ Joni đánh phụ công ở ĐTQG Indonesia, nhưng khi về đầu quân cho Quân khu 5, anh chuyển qua đánh chủ công vì thời gian hòa nhập với các đồng đội mới chưa lâu. Những cú đập tầm cao chéo sân, đánh chữ I cắm và luôn xuyên thủng hàng chắn TA.NB của Joni đã đưa Quân khu 5 thắng lại 25/22 ở ván 3.
Nhưng người chơi hay nhất trong đội hình Quân khu 5 chiều qua là Lê Văn Tuyển, chủ công có tầm bật nhảy tấn công tới 3m40 và bật chắn 3m15. Bóng từ chuyền 2 Lê Vĩnh búng ra biên, Văn Tuyển luôn kết thúc gọn gàng. Đập sau vạch 3m cũng hay, đánh giữa lưới cũng hiệu quả, nói chung, những cú đập của Văn Tuyển thường vượt trên hàng chắn TA.NB hoặc không cho hàng sau cơ hội ngăn chặn.
Cứ giữ thế công như lũ tràn như vậy, Quân khu 5 san hòa tỷ số 2-2, đưa cả hai bước vào ván đấu thứ 5 quyết định. Sự giằng co về điểm số được duy trì, cả Hữu Hà (8, TA.NB) lẫn Văn Tuyển (8, QK5) đều trở thành người dứt điểm chủ lực cho 2 đội. Thế nhưng, trong một buổi chiều xuất thần, Văn Tuyển đã làm lu mờ đồng đội với cú đập bóng cuối cùng chính xác, đưa Quân khu 5 thắng 21/19 ở ván 5, khép lại chiến thắng ngược dòng 3-2 không thể ngoạn mục hơn.
Cánh cửa trụ hạng đã hé ra đối với các tay đập khoác áo lính. Còn HLV Nguyễn Mạnh Hùng của TA.NB chỉ còn biết lắc đầu trước sự sa sút khó hiểu của các học trò ở 3 ván đấu cuối.
Trong khi đó, ĐKVĐ vòng 1 giải nữ VTV Bình Điền Long An đã trả được món nợ thua 1-3 ở vòng 1 trước Ngân hàng Công thương ngay ở ngày khai mạc vòng 2. Sự trở lại của chủ công Diệu Châu (12), cộng thêm hai ngoại binh Boulee (4) và Wana (1) chơi khá hay chiều qua, đội bóng Long An không khó để tìm được chiến thắng 3-1. Chỉ có điều, đội bóng của HLV Lương Khương Thượng vẫn lộ ra điểm yếu chết người: không có tay chuyền 2 nào đáng tin cậy. Đấy là lý do vì sao, ông Thượng đôi khi vẫn phải dùng cả phụ công Ngọc Hoa (9) cho vị trí này.
THANH LÂM
Bảng B (Nha Trang): Hú hồn thép Việt!
Bảng B của vòng 2 giải bóng chuyền các đội mạnh đã diễn ra tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) trong những ngày mưa gió tơi bời, thậm chí ga Nha Trang sáng qua (15-11) đã xảy ra cảnh kẹt… xe lửa, khi 3-4 chuyến tàu đã nằm chết dí tại đây để chờ thông tàu, bởi cửa ngõ dẫn vào Nha Trang đã bị ngập như… sông. Trong thời tiết như thế, nhưng nhà thi đấu của thành phố biển vẫn gần đông kín khán giả đến dự khán ngày khai mạc, và chứng kiến đội nhà Sanest Khánh Hòa hạ gục các cầu thủ trẻ của Viễn thông Hà Nội với tỷ số 3-0 (25/20, 25/22, 25/15).

Ngô Văn Kiều (6, KH) tấn công trước hàng chắn Viễn thông Hà Nội. Ảnh: Dũng Phương
Với một đội bóng đang trẻ hóa như VT Hà Nội (tiền thân là Bưu điện Hà Nội), nên việc các các cầu thủ chủ nhà với 2 tay đập người Indonesia (vừa bổ sung vào lực lượng) chơi cực kỳ biến hóa, cùng “máy đóng cọc” số 1 Việt Nam hiện nay: Ngô Văn Kiều thì hỏi sao họ không thắng! Tuy nhiên, trong trận thắng chiều qua của Sanest Khánh Hòa, “ngôi sao” được chờ đợi nhiều nhất là Ngô Văn Kiều lại chính là người chơi… tệï nhất.
Anh quá màu mè trong việc thể hiện hình thức bên ngoài, trong khi chuyên môn thì khi chắn bóng, đập bóng lẫn phát bóng hỏng nhiều lần, khiến đội nhà phải nhiều phen vất vả trước các đối thủ trẻ của Hà thành.
Một trận đấu khác cũng rất được chú ý ở bảng B chiều qua là cuộc đối đầu giữa Thép Việt TPHCM và VLXD Biên Hòa.
Đội VLXD Biên Hòa với lối đánh khá đơn giản khi tất cả những đường tấn công hầu như đều dồn cho chủ công Uranan (người Thái Lan) dứt điểm, tuy nhiên, nó lại tỏ ra hiệu quả khi họ đã xoáy vào những vị trí còn non của Thép Việt như libero Phạm Thanh Đào (vừa được đôn lên từ đội bóng vô danh Củ Chi, lần đầu có mặt ở giải đội mạnh) và đội trưởng Hồng Huy (không còn phong độ tốt vì tuổi tác), đồng thời sự đeo bám và chắn bóng rất tốt của đội Biên Hòa đã đẩy các cầu thủ Thép Việt vào thế phải chạy trối chết để rượt đuổi tỷ số khi liên tục bị dẫn trước ở hiệp đầu, rồi lại cân bằng ở ván sau.
Dưới sân, HLV trưởng Aphisak của Thép Việt TPHCM liên tục nhắc nhở các cầu thủ, cũng như bấm chuông xin hội ý. Trên khán đài, ông trưởng đoàn Lê Hồng Hảo và PCT Liên đoàn bóng chuyền TPHCM Nguyễn Bá Nghị chẳng ai nói với ai được tiếng nào. Cả hai cứ nhấp nhổm như ngồi trên lửa.
Ván thứ 4, khi đội nhà Thép Việt cân bằng tỷ số 2-2 một cách chật vật với điểm số 25/21 để bước vào ván quyết định thứ 5, các thành viên của đội bóng chuyền thành phố như nín thở. Rồi khi trận đấu kết thúc với điểm số khá sít sao 15/11 để thắng chung cuộc 3-2, dưới sân các cầu thủ TPHCM mừng như giữa nước lũ ôm được bè chuối, còn trên khán đài, ông Nguyễn Bá Nghị quay sang chúng tôi thổ lộ: “Bọn nhỏ làm tui vỡ tim mà chết mất. Đúng là hú hồn!”.
Mà quả là hú hồn thật, và nếu cứ chơi như thế này thì con đường để vào sâu đến bán kết, chung kết của Thép Việt e sẽ rất chông gai.
Hôm qua, 2 đội nữ Lilama Hải Dương - Giấy Bãi Bằng đã so kè trận đầu tiên, kết quả đội Hải Dương đã thắng với tỷ số 3-1 (25/22, 21/25, 25/20, 25/10).
ĐỖ TUẤN
(SGGP Thể thao)