Chưa bao giờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lại lâm vào thế bí, hầu như không có đường gỡ như hiện nay. Đầu tiên là chuyện đội ngũ trọng tài lần lượt bị gọi tên vào danh sách “đường dây đen”, có liên quan đến việc nhận tiền “lót tay” từ các đội bóng ngày một đông, mà cho đến nay đã vượt quá con số 20.
Nhiều trọng tài được các quan chức liên đoàn tự phong cho danh hiệu “đạn bắn không thủng” cũng đã vỡ lẽ bị bắn thủng tuốt. Trọng tài dính vào tiêu cực thì nhẹ nhất cũng bị treo còi, cấm không cho làm nhiệm vụ từ 1 năm đến vĩnh viễn, dẫn đến “khủng hoảng” thiếu trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải đấu quốc gia trong năm 2006.
|
Trận Bình Dương gặp Đà Nẵng tại V-League. |
Tất nhiên, khi thiếu trọng tài thì gọi gấp nguồn bổ sung, nhưng chữa cháy bằng cách “đôn” trọng tài U21 lên thổi chuyên nghiệp, hoặc “đào tạo cấp tốc” trọng tài đều bị các đội bóng và dư luận phản ứng, vì ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu, dễ sinh đổ vỡ. Một số trận đấu ở giải U 21 vừa qua là một thí dụ về khả năng cầm còi của nhiều trọng tài là dưới mức trung bình.
Bài thuốc đầu tiên để chữa căn bệnh này do chính một quan chức Liên đoàn Bóng đá châu Á, Tổng thư ký Peter Velappan, kê đơn thoạt nhìn tưởng hữu hiệu: Dùng trọng tài nước ngoài. Thế nhưng, tiền đâu mà trả cho trọng tài ngoại, mà mức chi phí chắc chắn sẽ đội lên hàng chục lần.
Bệnh cũ chưa khỏi thì bệnh mới kéo đến. Hàng loạt các biến cố tiêu cực liên quan đến trọng tài và nhiều đội bóng đã làm nản lòng nhiều nhà tài trợ. Dù trong số này có không ít doanh nghiệp lâu nay gắn bó với bóng đá Việt Nam, nhưng trên thương trường thì thương hiệu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, lại “đánh đu” số phận với tiêu cực bóng đá thì rõ ràng không ai dám mạo hiểm.
Sau Vilube chia tay với Cúp quốc gia đến lượt Majesty và Bird cũng rút lui khỏi giải hạng nhất. Mỗi đơn vị có một lý do riêng, nhưng điểm chung của họ vẫn là lo ngại tiêu cực trong bóng đá đang bị phanh phui tràn lan dễ làm bẩn thương hiệu.
Giải đấu không có nhà tài trợ đồng nghĩa với việc không có tiền tổ chức. Làm sao đây? Đơn thuốc kế tiếp dành cho con bệnh này không gì khác là tạm ngưng tổ chức giải ít nhất là 1 năm.
Nói thì dễ, làm mới khó. Hàng chục đội bóng từ hạng nhất đến chuyên nghiệp, nuôi cầu thủ, huấn luyện viên, cùng hàng trăm cán bộ, nhân viên suốt cả năm trời, chỉ nói một tiếng “xù” là được sao. Một đơn thuốc khác nhằm trung hòa con bệnh trong trường hợp không tổ chức được giải chuyên nghiệp hay giải hạng nhất là việc tổ chức các giải cấp khu vực, giải mời, dưới sự bảo trợ của VFF là biện pháp trước mắt.
Ngoài ra, động viên các địa phương lớn, có tiềm lực bóng đá mạnh như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Nam Định, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An… đứng ra đăng cai các giải đấu mở rộng từ trong nước đến quốc tế cũng là cách làm cho các đội bóng bớt “cuồng chân”, vì tập nhiều mà không được ra sân đá.
Thiết nghĩ, với những giải đấu nhỏ, giải đấu cấp khu vực, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thì việc tìm nguồn kinh phí cho nó không khó. Đợi dọn dẹp xong đống rác tiêu cực rồi tất cả cùng bắt tay nhau làm lại từ mùa bóng 2007 cũng chưa muộn.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Lee Nguyễn sẵn sàng ra sân ở trận gặp Hà Tĩnh
-
Tay đua Simon Yates: “Đua với anh song sinh sẽ khó vì anh ấy luôn tốt với tôi”
-
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh vòng 18 ngày 20-1: Đại gia tăng tốc
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đấu tập 3 trận trước khi tạm nghỉ
-
Thầy ngoại ra quân V-League thất bại: ‘Thuốc Tây’ chưa ngấm!
-
“Tiểu mỹ nhân Ukraine” Marta Kostyuk: Khóc ròng vì luật cách ly khắc nghiệt ở Australian Open
-
Zlatan Ibrahimovic lập cú đúp giúp AC Milan củng cố ngôi đầu
-
Atletico quyết “đấu” FIFA vì Trippier
-
Covid-19 tác động rõ đến chuyển nhượng trong năm qua
-
Lionel Messi đối mặt với án treo giò 12 trận vì đấm đối thủ, PSG lập tức đánh tiếng mời chào