Judo người khiếm thị cần được quan tâm đúng mức

Ở Việt Nam, phong trào Judo người khiếm thị phát triển chủ yếu tại TPHCM. Hình thành và phát triển từ năm 2004, thế nhưng phong trào Judo người khiếm thị vẫn chưa có nhiều đột phá, với sự đầu tư gặp nhiều hạn chế về mặt cơ sở vật chất và sân bãi tập luyện.
Các võ sĩ thi đấu tại Cúp các CLB Judo người khiếm thị toàn quốc năm 2021. Ảnh: NGUYỄN ANH
Các võ sĩ thi đấu tại Cúp các CLB Judo người khiếm thị toàn quốc năm 2021. Ảnh: NGUYỄN ANH

Theo ông Lý Đại Nghĩa - Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam - cho biết thì hiện nay tại TPHCM chỉ có khoảng 4 đến 5 câu lạc bộ (CLB) Judo người khiếm thị, bao gồm ở các trường học chuyên biệt, CLB tư nhân hoặc các trung tâm dành cho người khuyết tật. Các vận động viên (VĐV) khiếm thị chủ yếu tập luyện ở 4 địa điểm: Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ, Trung tâm thể dục thể thao Quận 10, CLB thể thao người khuyết tật Thăng Long và trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. 

"Dù đã có 17 năm hình thành và phát triển, thế nhưng phong trào Judo người khiếm thị vẫn chưa có nhiều đột phá. Tổng số lượng người khiếm thị chơi Judo tại TPHCM chỉ khoảng 120 người, trong đó có khoảng 30 người có thể thi đấu các giải quốc gia và quốc tế. Trong những năm qua, các VĐV luôn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện cũng như chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức", ông Nghĩa nói.

Dù còn gặp khó khăn, nhưng những người phát triển phong trào Judo người khiếm thị cùng với các tổ chức xã hội cố gắng triển khai nhiều hoạt động, giải đấu nhằm giúp các VĐV đặc biệt có cơ hội tập luyện và thi đấu để minh chứng năng lực, giá trị bản thân của mình. Nằm trong chuỗi các hoạt động mang tính nhân văn như thế, giải Vô địch Cúp các CLB Judo người khiếm thị toàn quốc năm 2021 - Cúp Minh Quang Mekong đã chính thức khai mạc vào sáng 18-4 tại Nhà tập luyện Phú Thọ (quận 11).

Judo người khiếm thị cần được quan tâm đúng mức ảnh 1 Trao giải ở một nội dung của giải. Ảnh: NGUYỄN ANH
Ngoài mục đích giúp các VĐV tự tin hòa nhập cộng đồng, giải đấu này còn là cơ sở đánh giá chuyên môn và thành tích của các VĐV khiếm thị, từ đó tuyển chọn lực lượng tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11), sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Giải đấu do Tổng cục Thể dục Thể thao, Hiệp hội Paralympic Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM, Liên đoàn Judo thành phố tổ chức, với sự tài trợ chính từ công ty Minh Quang Mekong, diễn ra từ ngày 18-4 đến 20-4 tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Tham dự cuộc tranh tài lần này có 32 VĐV khiếm thị cấp độ B1, B2, B3 đến từ 4 đơn vị: CLB Tân Phú, CLB Para Sports, CLB thể thao người khuyết tật Thăng Long và CLB thể thao người khuyết tật tại Nhà tập luyện Phú Thọ, tranh tài ở 8 hạng cân đối kháng cá nhân. 

Trong tiếng hò reo cổ vũ không ngừng từ phía cổ động viên, các võ sĩ cố gắng thực hiện các kỹ thuật đã tập luyện. Kết quả dù thắng hay thua, họ vẫn mỉm cười vì đã thi đấu hết sức mình, được thỏa niềm đam mê với võ thuật, vượt qua số phận kém may mắn và vươn lên trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục