1. Các vòng đấu “nốc ao” của Champions League châu Âu khởi tranh vào giữa tuần rồi với 4 trận thư hùng giữa các đội bóng sừng sỏ. Các đại gia như Real Madrid, AC Milan, Manchester United, Bayern Munich, Arsenal, Porto đều đã lần lượt ra quân. Nhưng theo người viết bài này, điều đáng chú ý nhất trong loạt trận vừa qua không phải là tỷ số thắng thua (các đội thua vẫn còn cơ hội “làm lại cuộc đời” trong trận lượt về) mà chính là bàn thắng của Paul Scholes trong trận AC Milan thua MU 2-3.
Dĩ nhiên, sự kiện thầy trò Ferguson tìm được một trận thắng trên sân San Siro sau 4 trận toàn thua tại đây là một dấu mốc đáng kể. Đáng kể nhất là trong 4 trận đại bại đó, họ đã không ghi nổi lấy một bàn. Thế mà trong trận tái đấu tối thứ ba vừa rồi, họ đã chọc thủng lưới thủ thành Dida đến những 3 bàn - điều mà trước khi trọng tài thổi còi khai cuộc có lẽ HLV Ferguson không dám mơ.
2. Ông Ferguson không dám mơ, bởi ông không tin vận số lúc nào cũng đứng về phía MU như đã từng. Hiển nhiên, MU giành thắng lợi trong trận này, cũng như đang đánh lưới hàng loạt điểm 3 ở giải Premier League đang diễn ra, có sự tham dự quan trọng của “yếu tố” Rooney. Một tài năng đặc biệt như Rooney ắt sẽ đến thời của mình - vấn đề là thời gian. Và 2010, tiếng chuông số phận của Rooney đã điểm, đặc biệt từ khi Cristiano đi khỏi sân Old Trafford - không phải vì Ronaldo giỏi hơn anh mà vì nếu Ronaldo còn hiện diện ở MU, HLV Ferguson luôn ép Rooney chơi như một vệ tinh quanh anh chàng Bồ Đào Nha này.
Và một khi Rooney tìm lại được vị trí phù hợp với mình và... bắt đầu “bùng nổ”, việc một cầu thủ thấp lùn như anh ghi một “cú đúp” vào lưới AC Milan bằng 2 quả đánh đầu cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. “Bùng nổ” là một khái niệm bao hàm khả năng hiện thực hóa những điều không tưởng. Khi thăng hoa, Rooney cũng có thể làm được những điều không thể.
3. Nhưng tôi không nghĩ hai bàn thắng của Rooney là hai bàn thắng quan trọng trong trận đấu này. Bàn thắng mở màn của Paul Scholes mới là bàn thắng có ý nghĩa đột phá. Hiển nhiên, ai cũng dễ dàng nói như thế về bàn thắng khai thông bế tắc. Nhưng vấn đề ở đây là Paul Scholes đã ghi bàn bằng... cẳng chân của Chúa (nói theo ngôn ngữ của Maradona!).
Ai đã theo dõi trận đấu này đều thấy sau khi Ronaldinho ghi một bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Van der Sar ở ngay phút thứ 3, đội hình MU lâm vào cảnh bối rối tột cùng. AC Milan kiểm soát bóng nhiều hơn, nhất là có nhiều cơ hội nguy hiểm hơn. Nếu họ đã không ghi nhiều hơn một bàn vào lưới MU trong hiệp một, chẳng qua do thần may mắn đã mượn tay Van der Sar chặn lại tất cả những cơ may của thầy trò Leonardo. Hơn thế nữa, ông thần nghịch ngợm này còn mượn chân của Paul Scholes để giúp MU gỡ hòa.
4. Không thể nói khác hơn khi ở vào cái phút 36 oan nghiệt đó, nhận được đường tạt của Fletcher, Scholes đã co chân tung một cú sút như búa bổ. Nhưng Scholes sút hụt, chân đi đằng chân bóng đi đằng bóng. Trong khu kỹ thuật, HLV Ferguson hai tay đưa lên chưa kịp ôm đầu vì tiếc nuối đã há hốc miệng: Thần may mắn đã lập tức sửa sai cho Scholes bằng cách lái quả bóng đập vào chân trụ của anh rồi... từ từ lăn vào lưới Dida. Nếu Scholes sút trúng quả bóng đó chưa chắc bóng đã vào lưới. Có thể anh sút chệch khung thành, có thể thủ môn Dida phá được. Nhưng khi thần may mắn mượn chân Scholes để đẩy quả bóng vào lưới theo một cách thức ra ngoài tầm hiểu biết của con người thì Dida đành bó tay.
Rõ ràng, bàn thắng kỳ quái của Scholes không chỉ có giá trị gỡ hòa 1-1 mà còn làm được điều lớn lao hơn: giúp thầy trò Ferguson lẫn hàng triệu cổ động viên của MU tin rằng vận may đang đứng về phía mình trong buổi tối thứ ba ngọt ngào đó. Cú đúp sau đó của Rooney chẳng qua chỉ là chuyển động đương nhiên của toa tàu khi đã được thần may mắn đặt vào đường ray chiến thắng.
5. Thầy trò Ferguson có lẽ nên tạ ơn vị thần này. Vì ở trận chung kết Champions League cách đây 2 năm với Chelsea, cũng chính ngài bê chiếc cúp đặt vào tay MU. Lần đó, sự can thiệp của ngài cũng liên quan đến... chân trụ. Chân trụ của John Terry, đội trưởng Chelsea.
Sau khi Cristiano Ronaldo sút hỏng ở loạt sút luân lưu thứ ba trong trận chung kết đầy kịch tích đó, MU gần như cầm chắc cái thua khi Chelsea đều sút thành công cả 4 quả đầu tiên. Quả cuối cùng, đội trưởng Terry tự tin tiến đến trước chấm phạt đền. Nếu anh sút thành công, Chelsea sẽ đăng quang và thầy trò Fersuson chỉ còn cách ca bài “Thôi là hết chia ly từ đây...”. Nhưng thần may mắn đã đứng về phía MU bằng cách khiến Terry đột ngột trượt chân trụ ngay khi sút bóng. Tất nhiên quả bóng định mệnh đó đã đi ra ngoài khung gỗ.
Bây giờ nhắc lại chuyện này chỉ để khẳng định thần may mắn trong bóng đá là người Manchester, và ngài ưa thích làm phép với chân trụ của cầu thủ. Ngài ngắm nghía và nghịch ngợm với chân trụ của Terry, của Paul Scholes. Của ai cũng được. Miễn cuối cùng MU là đội chiến thắng!
Chu Đình Ngạn