Isner diễn vai anh hùng

Davis Cup 2016: Australia – Mỹ 1-3 (vòng 1 World Group)

Trên mặt sân cỏ xanh thẳm tại CLB Quần vợt Kooyong, người Mỹ không hề có Ant-Man, Spider-Man, Superman, Batman hay thậm chí là Iron Man, nhưng rốt cuộc, họ đã giành được chiến thắng trong một “điệp vụ” vốn được đánh giá là “bất khả thi”, khi mà Jim Courier đã “phát mệt” vì cứ phải chứng kiến tuyển kiểu điệp khúc cứ lập đi lập lại – tuyển Mỹ bị loại ngay ở vòng 1 của đấu trường Davis Cup, để rồi chật vật thắng trận play-off, giành quyền trụ lại World Group, và lại đến với vòng 1 để rồi lại bị loại bỏ một cách tức thì… Không có những siêu anh hùng trong giả tưởng, trong tranh sách nho nhỏ hay trên màn ảnh rộng, người Mỹ chỉ có một vị anh hùng duy nhất bằng xương bằng thịt, đó là John “lớn” Isner, gã anh hùng cao kều khiến ai cũng phải ngước nhìn. Cao 2m8, Isner chỉ là một anh hùng “người thật, việc thật” vừa hoàn tất một “điệp vụ bất khả thi đầy chân thật”.

Isner – với những quả giao bóng sấm sét từ tầm cao – đã tung ra 49 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, đủ để khuất phục tay vợt số 1 nước Úc là Bernard Tomic trong cuộc đối đầu then chốt của trận đấu Australia – Mỹ ở vòng 1 Davis Cup năm nay. John “lớn” giành chiến thắng với điểm số 6/4, 6/4, 5/7, 7/6 (7-4), qua đó, giúp tuyển Mỹ vượt lên dẫn trước đội chủ nhà với tỷ số 3-1, biến trận đấu cuối cùng giữa Jack Sock và Sam Groth chỉ còn mang tính thủ tục – và BLĐ cả 2 đội đã quyết định hủy trận đấu này. Đó là trận thắng thứ 2 của Isner ở Kooyong.

John “lớn” Isner – người anh hùng của tuyển Mỹ ở trận đấu vòng 1 Davis Cup 2016.

Trước đó, anh cũng đã đánh bại Groth với chiến thắng khá dễ dàng có điểm số 7/6 (7-2), 6/2 và 6/2. Isner đã giành được 2/3 chiến thắng của tuyển Mỹ trước tuyển Australia của Lleyton Hewitt (trận thắng còn lại thuộc về anh em nhà Bryan – Mike Bryan và Bob Bryan – khi họ đánh bại Hewitt và John Peers sau 5 ván đấu đầy kịch tính).

Chưa bao giờ tiến gần được đến đẳng cấp của những James Blake, hay thậm chí là cả Andy Roddick, nhưng giờ đây, Isner luôn là niềm hy vọng số 1 của người Mỹ ở các trận đấu thuộc khuôn khổ ATP World Tour, hay ở đấu trường Davis Cup. Đây là trận thắng thứ 10 của Isner ở mặt trận đánh đơn tại đấu trường Davis Cup (anh cũng đã để thua 10 trận, trong đó, anh để thua riêng mình Novak Djokovic những 2 lần). Chiến thắng giá trị nhất của Isner đó là trước Roger Federer với điểm số 4/6, 6/3, 7/6 (7-4), 6/2 ở vòng 1 Davis Cup 2012, giúp tuyển Mỹ đánh bại tuyển Thụy Sĩ hùng mạnh với tỷ số 5-0. Sau đó, “thừa thế xông lên”, Isner tiếp tục đánh bại Gilles Simon 6/3, 6/2, 7/5 và thắng Jo-Wilfried Tsonga 6/3, 7/6 (7-4), 5/7, 6/3, góp công lớn giúp tuyển Mỹ hạ tuyển Pháp ở tứ kết.

Cuộc phiêu lưu của tuyển Mỹ ở Davis Cup 2012 chỉ dừng lại ở bán kết khi Isner liên tục để thua Nicolas Almagro và David Ferrer, tuyển Mỹ thua tuyển Tây Ban Nha với tỷ số chung cuộc 1-3 (năm đó, tuyển Tây Ban Nha thua tuyển CH Séc 2-3 trong trận đấu chung kết). Đó cũng chính là thành tích tốt nhất của tuyển Mỹ ở Davis Cup trong vòng 8 năm qua (kể từ năm 2008 cho đến nay).

Chiến thắng của anh hùng Isner càng trở nên có giá trị khi đây là lần đầu tiên tuyển Mỹ đánh bại “đại kình địch” Australia trên mặt sân cỏ kể từ năm 1979, và cũng là chiến thắng đầu tiên trước đội tuyển nước này trên bất kỳ mặt sân nào tính từ năm 1997 cho đến nay. Đây cũng là thất bại đầu tiên của tuyển Australia tại “thánh địa” Kooyong, kể từ khi họ thua chính tuyển Mỹ với tỷ số 0-5 ở vòng đấu Challenger hồi năm… 1946.

Người vạch nên chiến thắng lịch sử, đương nhiên phải là một anh hùng. Trong suốt trận thắng Tomic, đạt tỷ lệ giao bóng thắng điểm lên đến 76%, riêng tỷ lệ giao bóng 1 thành công của anh đạt đến mức 81%. Isner cũng đã tung ra được một cú giao bóng cực nhanh, cực mạnh, đạt tốc độ 253 km/giờ và được đánh giá là một trong những cú giao bóng ăn điểm trực tiếp mạnh nhất ở đấu trường Davis Cup. Rõ ràng, người Mỹ không cần phải có những anh hùng biết bay lượn, biết thu nhỏ thân mình, biết chế tạo ra những vũ khí lợi hại, trong 3 ngày 4-3, 5-3 và 6-3, họ chỉ cần một người anh hùng biết đứng vững và biết tận dụng ưu thế từ những cú giao bóng sấm sét trên tầm cao. Courier đã không còn mệt mỏi vì có Isner trong đội hình.

ĐỖ HOÀNG

Tomic: Tôi đã đánh mất sự tôn trọng dành cho Kyrgios

Bernard Tomic – anh chàng đã phải ráng gồng hết sức mình để thi đấu với tuyển Mỹ, nhưng cuối cùng không thể giúp tuyển Australia xoay chuyển cục diện sau trận thua John Isner – tỏ ra rất tức giận với sự vắng mặt của Nick Kyrgios. Sau kết quả này, Tomic nói rằng anh đã đánh mất hoàn toàn sự tôn trọng dành cho Kyrgios.

“Tôi đã phải thi đấu với cái cổ tay bị đau (chính Tomic đã thừa nhận anh chơi không đúng sức mình trong trận thua Isner vì vẫn chưa lành chấn thương cổ tay) và hoài nghi về tính hợp pháp của sự rút lui của Kyrgios, vì bị cảm cúm gì đó. Liệu anh ta có sớm quay trở lại sân đấu hay không? Tôi đã nói chuyện với anh ta sau trận thua của tuyển Australia, anh ta vẫn lên kế hoạch thi đấu ở Indian Wells trong tuần này”, Tomic nói.

Trước đó, Kênh truyền hình Channel 7 đã thu được những lời cằn nhằn mà Tomic nói với Hewitt để than phiền về sự vắng mặt của Kyrgios trong trận đấu then chốt với tuyển Mỹ: “Hai lần, hai lần anh ta xạo sự. Hai lần Nick đã giả bộ. Hai lần. Khi tôi đang ở đây, thì Nick lại đang nằm ở Canberra. Căn bệnh của anh ta thật là nhảm nhí”.

Trong buổi họp báo sau trận đấu, Tomic nói thẳng rằng đây không phải là lần đầu tiên Kyrgios rút lui khỏi một trận đấu của đội tuyển, trước đó, Kyrgios cũng đã rút lui khỏi trận đấu với CH Séc hồi tháng 2 năm ngoái: “Anh ta chẳng đến CH Séc vì bị rạn xương gì đó, để rồi, không hiểu làm cách nào lại chơi ở Indian Wells và có cảm giác rất tốt. Giờ đây, tôi thấy thật buồn cười khi nghĩ về chuyện anh ta có thi đấu hay là không. Nếu anh ta thi đấu ở Indian Wells, tôi sẽ không còn tôn trọng anh ta nữa. Thật thất vọng vì không có anh ta hiện diện ở đây”.

Đ.Hg.

Tin cùng chuyên mục