Huyền thoại bóng đá Diego Maradona: Những câu chuyện ít ai biết đến…

Kể về cuộc đời của Diego Maradona, có những câu chuyện trở thành truyền kỳ, thành giai thoại. Trong con người ông, luôn tồn tại 2 mặt sáng - tối, thiên thần - ác quỷ, nhưng cuối cùng, cả thế giới vẫn không thể ghét bỏ ông mà thậm chí cực kỳ yêu mến ông, với những gì ông đã tạo ra, và đã trải qua…

Maradona và người thân
Maradona và người thân

Không thừa nhận Pele là cầu thủ giỏi nhất thế giới, kể tên “những kẻ ít danh”

Tranh cãi quanh việc Pele hay Maradona mới là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại đã khiến 2 huyền thoại thường có những lời lẽ không hay ho nhắm vào nhau. Maradona là người mạnh mẽ phủ nhận chuyện “tiền bối đàn anh” người Brazil là xuất sắc nhất, giỏi nhất trong lịch sử bóng đá.
Lời của ông đã khẳng định điều này: “Trong phòng khám tâm thần nơi tôi được điều trị, có một bệnh nhân tự cho mình là Napoleon, người khác lại xem bản thân mình là San Martin (lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của người Argentina chống lại sự đô hộ của người Tây Ban Nha) và không ai tin rằng tôi là Maradona. Do vậy, sẽ chẳng có ích gì khi tối ngày tranh cãi ai mới là người giỏi hơn, là tôi hay là Pele. Bất kỳ ai khi được hỏi câu hỏi đó đều sẽ trả lời người giỏi hơn chính là tôi”.

Maradona và Pele từng có những mâu thuẫn trong quá khứ
Nếu Maradona khẳng định mình mới là “người giỏi nhất”, vậy thần tượng của ông là ai. Ông có nói về một đồng đội cũ của Pele trong đội hình tuyển Brazil vô địch World Cup hồi năm 1970 - cựu tiền vệ Roberto Rivellino, rằng đây mới chính là hình mẫu cầu thủ mà ông muốn trở thành khi dấn thân vào sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp: “Những pha lừa bóng của ông ấy, những đường chuyền chính xác, những cú sút không cần lấy đà luôn là thứ hình mẫu để tôi tập luyện và noi theo”.

Tuy vậy, Rivellino không bao giờ nghĩ mình là hình mẫu của bất kỳ ai cả. Ông từng nói những lời cám ơn Maradona vì đã dành cho ông những câu nói trân trọng, nhưng chính Rivellino mới gọi Pele là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại trong lịch sử bóng đá.

Dù vậy, hồi cuối tháng 10, nhân kỳ sinh nhật 60 tuổi của Maradona, Rivellino đã gửi tặng Maradona những lời trân trọng: “Don Diego Armando Maradona, người thầy của tôi. Tôi cầu chúc cho bạn nhiều bình yên và nhiều và ngập tràn tình yêu trong tim và đây mới là quan trọng hơn: tôi cầu chúc bạn tràn đầy sức khỏe để bạn có thêm 60 năm, 70 năm cuộc đời. Có lẽ Chúa sẽ bảo vệ bạn. Hãy tận dụng thời gian của mình, bạn nhé”.

Maradona và Rivellino
Cũng trong suốt quãng đời của mình, Maradona từng xem trọng một cựu cầu thủ Argentina, thậm chí còn cao hơn bản thân ông. Đó là Tomas Carlovic, cựu cầu thủ Argentina gốc Croatia.
Carlovic nổi tiếng vì có rất nhiều tài năng, nhưng trong sự nghiệp của mình, ông luôn từ chối thi đấu cho các CLB ngoại vì tình yêu dành cho Argentina, bất chấp những lời “rù quến” đến từ AC Milan, các CLB Pháp. Cuối sự nghiệp của ông, ông từng được Pele “dụ dỗ” chuyển sang New York Cosmos, nhưng ông cũng từ chối.

Maradona đã nói về Carlovic hồi năm 1993: “Cầu thủ hay nhất thế giới là người đã từng thi đấu ở Rosario. Tên ôn ấy là Toms Carlovic". Hồi tháng 2-2019, Maradona, khi đó là HLV của đội Gimnasia de La Plata, có bay đến Rosario và không quên làm một việc rất quan trọng - gặp gỡ Carlovic.

Họ gặp nhau ngắn ngủi nhưng nói chuyện đầm ấm. Maradona đã gửi tặng Carlovic cái áo có chữ ký của ông và nói rằng: “El Trinche (biệt danh của Carlovic), bạn luôn giỏi hơn tôi. Còn Carlovic đáp lời, một câu nói định mệnh: “Diego, giờ tôi có thể rời đi trong yên bình. Bạn là người đàn ông vĩ đại nhất trong đời tôi”.

Maradona và Carlovic
Hồi tháng 5 rồi, Carlovic đã chết khi bị một tên cướp trẻ đánh ngã và giành lấy chiếc xe đạp của ông. Ông ngã đập đầu xuống đất, bị chấn thương sọ não và không qua khỏi. Giờ đây, đến lượt Maradona cũng qua đời…

Không phải lúc nào cũng điên rồ và kiêu ngạo
Chuyên gia vật lý trị liệu Fernando Signorini, người từng điều trị cho Maradona, có giải thích về sự khác biệt của ông khi còn là một cậu nhỏ và khi đã ở định cao của danh vọng: “Khi bạn nói chuyện với ông ấy, bạn sẽ thấy: đó là Diego, một cậu bé khiêm tốn đến từ Buenos Aires, cậu con trai của mẹ, và có một Diego, với cá tính được tạo ra mà không có sự tham gia của chính… Maradona”.
“Vì Diego, thậm chí tôi có thể đi đến tận cùng của thế giới, nhưng cũng vì Diego, có khi tôi chẳng bước nổi một bước nào”, chuyên gia Signorini nói về thứ tình cảm vô cùng tận mà ông, nhiều người dân Argentina, dành tặng cho “vị anh hùng dân tộc” của họ.
Lớn lên trong một gia đình rất nghèo, mẹ phải nhịn đói, 13 tuổi phải bươn chải
Maradona lớn lên trong một khu nghèo nhất của Buenos Aires, và phức tạp nhất, nơi đó thậm chí còn không có trụ sở của cảnh sát, bởi vì Phòng Nội vụ địa phương tin rằng, chỉ cần thiết lập một đồn cảnh sát ở đây, nó sẽ bị đốt cháy, không trụ lại quá một ngày.
Gia đình Maradona còn sống trong một ngôi nhà đổ nát. Nó được xây dựng bởi cha của ông, người tận dụng tất cả mọi thứ gọi là vật liệu ở trong tay. Mái tôn căn nhà liên tục bị dột khi trời mưa và trong nhà thì không có nước máy hay giếng nước. Để tắm rửa, người nhà Maradona phải hứng nước mưa từ chai, xô và từ máy bơm ở bên ngoài.

Gia đình lớn của Maradona
Maradona nhớ lại: “Vào các buổi ăn tối, mẹ tôi thường nói: “Mẹ không ăn nổi đâu, đau bụng quá”. Tôi luôn coi đó là chuyện hiển nhiên và bình thường, cho đến tận năm 30 tuổi, tôi mới nhớ lại và ngẩn ra, đơn giản nhà làm gì có đồ ăn”.

Cầu thủ Barcelona đầu tiên được CĐV Real vỗ tay tán dương ở sân Bernabeu
Trong lịch sử đối đầu giữa 2 CLB hùng mạnh nhất Tây Ban Nha, thậm chí hùng mạnh nhất châu Âu và thế giới, là Barcelona và Real Madrid, các cầu thủ 2 phía luôn là đối tượng để các CĐV đối phương đe dọa, trút cơn thịnh nộ ở các trận “siêu kinh điển”.
Tuy vậy, Maradona đã được cả 2 phía cùng yêu mến. Khi chơi cho Barcelona hồi năm 1983, ông ghi bàn thắng thứ 2 vào lưới Real trong trận chung kết lượt đi Cúp Nhà vua, một bàn thắng đẹp mắt khi ông loại bỏ cả thủ môn và hậu vệ đối phương rồi đưa bóng qua vạch vôi. Pha bóng đó thanh lịch đến nỗi, cả sân Bernabeu phải vỗ tay tán thưởng và đó là lần đầu tiên người Madrid vỗ tay cho một người đến từ CLB xứ Catalan. Sau Maradona, cũng chỉ có 2 cầu thủ Barcelona nhận được tán thưởng kiểu này, đó là Ronaldinho và Andres Iniesta.

Maradona trong lần đối đầu với Real Madrid
Trước Mexico 86, Maradona cũng từng ghi bàn bằng tay

Bàn thắng “Đầu của tôi còn tay của Chúa” của Maradona chắc chắn là một vụ gian dối lớn nhất lịch sử bóng đá, nhưng vẫn là một khoảnh khắc kinh điển được người người công nhận. Đó không phải là lần duy nhất Maradona dùng tay ghi bàn, và ông không có việc gì phải giấu diếm hay xấu hổ về chuyện này, ở World Cup 1986 cũng vậy, trước đó cũng vậy.
Trong một trận đấu khi còn khoác áo Argentinos Juniors, Maradona đã ghi bàn bằng tay. Trọng tài không trông thấy rõ nên công nhận bàn thắng. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng. Maradona kể: “Cầu thủ đối phương thấy và bắt đầu công kích trọng tài, rằng ông ấy đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Tôi biết chuyện đó vốn chẳng có gì hay ho, nhưng việc bạn đưa ra quyết định khi tỉnh táo là một chuyện, việc bạn đưa ra quyết định khi bị cuốn vào sự nóng nảy của trận đấu, đó lại là chuyện khác. Đơn giản, bạn chỉ làm mọi thứ để có được bàn thắng”.
Sau World Cup 1986, Maradona đã cạn kiệt năng lượng 
Giành ngôi vô địch World Cup ở kỳ Mexico 86 là một khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất trong sự nghiệp của Maradona. Nhưng í tai biết rằng, nó cũng khiến ông cạn kiệt năng lượng. Khi quay trở về quê nhà nghỉ ngơi, Maradona hoàn toàn kiệt sức. Ông nhốt mình trong phòng và ngủ li bì mấy ngày trời.
Mẹ của Maradona đã xử lý mọi việc xung quanh rất hoàn hảo. Bà ngăn trở tất cả mọi người muốn tiếp cận ông, từ cả bạn bè, người thân quen đến phóng viên báo chí. Bà mang sữa và bánh bích quy cho Maradona mỗi ngày. Tất cả những gì Maradona cần, khi đó, cũng chỉ có như vậy.

Maradona và mẹ của ông
Muốn làm biểu tượng của người nghèo ở Naples

Maradona, không nghi ngờ gì nữa, là một Fan nhiệt thành của những nhà cách mạng lừng danh thế giới như là Fidel Castro, như là Che Guevara. Được những lãnh tụ đó truyền cảm hứng, ông thấy bản thân mình cũng có đôi chút gì phải giống như họ. Khi đến với thành phố Naples để đầu quân cho Napoli, Maradona nhận ra một sứ mệnh khác của mình.
“Tôi sẽ là lá cờ biểu tượng cho cái nghèo ở miền Nam nước Ý, phất cao để chống lại uy quyền và giàu sang ở phương Bắc”, Maradona nói. Và với 2 Scudetto mang về cho Naples, ông đã làm được những gì ông nói.
Không còn “thù hằn” với Pele
Từng công kích nhau rất nhiều lần, nhưng cuối cùng 2 huyền thoại vẫn ngồi lại được với nhau. Pele từng là khách mời đầu tiên trong chương trình talk-show của Maradona. Trong suốt chương trình, họ nói chuyện với nhau rất ấm áp và thân thiện. Pele thậm chí nói, câu chuyện của Maradona đã truyền cảm hứng cho cả con trai của ông, người phải đi tù vì liên quan đến ma túy.

Maradona và khách mời Pele


Pele nói: “Cậu là hình mẫu cho chính con trai của tôi, vì cậu là người chiến thắng. Chương trình talk-show của cậu sẽ được cả thế giới xem đến. Chúng ta có thể làm điều gì đó để giúp ích cho những người khác”.

Tin cùng chuyên mục