HLV Miura vừa than thở rằng ông khá đuối khi phải “một cách hai con”, trong tình cảnh cả đội tuyển quốc gia lẫn U.23 đang vào guồng quay hối hả…
Rất ít khi xảy ra trường hợp một HLV dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia lẫn U.23 chuẩn bị cho 2 mặt trận lớn cùng lúc như ở ta. Có nghĩa là đội tuyển QG chuẩn bị thi đấu vòng loại World Cup, còn U.23 sắp dự SEA Games 28. Tất nhiên ở hoàn cảnh của ông Miura, việc than thở mệt nhọc cũng dễ hiểu, vì nói cho vui cỡ… HLV Mourinho có làm việc kiểu đó cũng khó mà chịu thấu. Từ đấy người ta đặt câu hỏi, với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, lẽ nào các trợ lý không giúp đỡ gì nhiều cho ông thầy người Nhật?
Thực chất thì các cánh tay nối dài của ông Miura vẫn có đó, gồm trợ lý Lê Tuấn Long, Ngô Quang Sang, Nguyễn Đức Cảnh (đội tuyển QG) và Nguyễn Thanh Sơn, Trần Công Minh, Nguyễn Quốc Tuấn (U.23). Tuy vậy, nói tìm người đắc lực ở mỗi đội tuyển để được coi như cánh tay phải của ông Miura thì gần như không thật rõ ràng.
![]() |
HLV Miura (trái) chưa tìm được những trợ lý để ông tin tưởng? Ảnh: Minh Hoàng
Cũng chuyện tìm trợ lý đắc lực nhớ lại hồi SEA Games 18 và Tiger Cup 96. Hồi ấy, khi HLV Weigang trở lại Việt Nam làm việc, ông thường tìm gặp HLV Tam Lang nhờ tư vấn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến bóng đá nội. Đến SEA Games 19 dưới thời HLV Colin Murphy, ông Tam Lang làm trợ lý cho nhà cầm quân người Anh. Ai cũng biết bóng đá Anh quen với lối chơi “chạy và sút”, nên khi huấn luyện ông thầy xứ sương mù cũng áp dụng cách chơi tạt cánh đánh đầu, và dễ hiểu là cầu thủ ta khó mà vận hành thuần thục được.
Là người am hiểu, ông Tam Lang đã có những góp ý, phân tích với HLV Murphy. Thực tế thì đến vài ngày sau giáo án của ông thầy ngoại đã có một số điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với con người và lối chơi của cầu thủ Việt Nam.
Vẫn chuyện góp ý với HLV trưởng, có người kể lại hồi chuẩn bị Tiger Cup 1998, HLV người Áo Alfred Riedl thường cho đội tuyển QG đá kiểu 4-4-2, một chiến thuật hiện đại lúc đó. Thế nhưng, trợ lý Tam Lang nhận thấy việc này cần có thời gian chứ không thể áp dụng một cách máy móc được nên đưa ra góp ý. Sau đó thì ông Riedl quay về với cách đá 5-3-2, còn đội tuyển QG ở giải đấu Tiger Cup năm đó thể hiện lối chơi giàu sức sống. Gần hơn, HLV Calisto cũng có được trợ lý Phan Thanh Hùng mà ông luôn tin tưởng…
Bây giờ thì ông Miura có 6 trợ lý ở 2 đội tuyển. Song, để tìm ra người tin cẩn, có vẻ như ông thầy người Nhật không đặt niềm tin hoàn toàn vào ai cả. Vì xét cho cùng, chưa bàn ở vấn đề năng lực của từng người mà chỉ nói ở mức độ uy tín cao trong giới và cá tính của nhà cầm quân, dường như bộ sậu của ông Miura đều ở thế đồng hàng cùng chạy. Vậy thì chuyện nhà cầm quân người Nhật than thở không là khó hiểu.
ĐỨC DŨNG