Đừng vội cho rằng bóng đá Việt Nam thay đổi bất kỳ điều gì sau chiến thắng sực sốc trước O.Iran. Chiến dịch Asiad 17 có thể thành công ngoài mong đợi nhưng cũng những cầu thủ ấy, nếu “ném” họ trở lại với làng cầu nội địa chưa có bất kỳ dấu hiệu cải tổ nào, thì cũng vẫn sẽ như trước. Nghịch lý của bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ đó.
Chiến thắng trước O.Iran rất bất ngờ, nhưng nếu quan sát tường tận, thì cũng không khó để giải thích. Bất kỳ đội bóng nào mà ra sân với cái đầu thoải mái, trái tim đầy nhiệt huyết và có một HLV biết người, biết ta thì đều có khả năng đánh bại mọi đối thủ. Ở đâu trên thế giới cũng như vậy cả, vì đó là những yếu tố quan trọng nhất mà các đội bóng nhỏ, yếu có thể chơi một trận sòng phẳng với các đội đẳng cấp cao hơn. Tuy nhiên, những yếu tố này không phải lúc nào cũng có sẵn bởi nó yêu cầu tính chuyên nghiệp của các cầu thủ rất cao. Với nền bóng đá còn nghiệp dư như Việt Nam, càng khó xảy ra thường xuyên.
Nếu như việc thay đổi đẳng cấp của cả một làng cầu là chuyện cần có thời gian và chiến lược hoàn chỉnh thì việc nâng cấp một đội tuyển trong những trận đấu cụ thể, vẫn có thể thực hiện được ngay nếu như người ta biết cách. Chỉ chưa đầy 2 tháng, HLV Miura đã giúp các cầu thủ U23 đa số có trình độ trung bình, trở thành một tập thể biết cách chơi bóng có ý thức chiến thuật rất tốt.

Chỉ nên coi Mạc Hồng Quân và Olympic Việt Nam mới có khởi đầu thuận lợi ở Asian Games 17.(Ảnh: Quang Thắng)
Trong 4 bàn thắng vào lưới O.Iran, đến 3 bàn là kết quả của những pha phối hợp ăn ý đến mức cầu thủ không cần phải nhìn đồng đội. Quan trọng hơn, những pha bóng đó không cần phải sở hữu kỹ thuật cá nhân khéo léo, chỉ cần hiểu ý và tập luyện cật lực với nhau là sẽ làm được.
o0o
Vì thế, chúng tôi tin rằng mọi việc hơn thua nằm ở cái đầu của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Để tìm được một ông Miura phù hợp, họ đã mất 2 năm trời loay hoay với cái ý tưởng giao các đội tuyển cho HLV nội dù có không ít ý kiến phản đối và những tấm gương thất bại. Họ quá tập trung vào đội U19 Việt Nam nhưng lại quên mất rằng người ta chỉ nhìn thực chất của một làng cầu bắt đầu từ lứa cầu thủ U23.
Sự sa sút của những giải đấu nội địa khiến họ không dám đặt chỉ tiêu gì ở AFF Cup 2014 dù bản thân ông Miura sang Việt Nam không phải để “ngồi mát ăn bát vàng”. Thay vì phản ứng tích cực với sự xuống cấp của làng cầu, người ta lại có xu hướng xóa hết làm lại bằng một nhóm cầu thủ từ Học viện HAGL. Đặt tương lai vào tay thế hệ trẻ, làm lại khâu đào tạo là chuyện bắt buộc, mang tính cơ bản chứ không phải là chiến lược gì đó ghê gớm. Không có HAGL - Arsenal thì cũng phải làm, không có U19 VN thì cũng phải đầu tư. Vậy nhưng, những điều tưởng như là bình thường đó lại trở thành một sự kiện lớn lao của bóng đá Việt Nam.
Kiếm một miếng đất đẹp, đổ tiền xây ngôi nhà mới vững chắc là chuyện quá tốt, nhưng đâu vì thế mà lại bỏ bê, không chịu sửa chữa ngôi nhà cũ lụp xụp, đổ nát vốn đang là nơi chui ra, chui vào hàng ngày của mình trước khi chờ dọn sang nhà mới còn lâu mới xây xong?!
Hồ Việt