Ở miền Bắc, hội làng vẫn còn tiếp diễn tại nhiều địa phương. Tới đây, hội làng Ninh Hiệp (Hà Nội) nơi tranh tài môn vật diễn ra và dự liệu của nhà tổ chức sẽ thu hút không dưới 5-6 ngàn người về theo dõi. Nghịch lý với môn vật vẫn chưa thể lý giải đó là bất cứ hội vật làng nào đều thu hút đông đảo khán giả, trong khi giải VĐQG hoàn toàn vắng vẻ.
Đem câu chuyện hỏi một HLV lão làng của làng vật Việt Nam, bản thân ông cũng khó lý giải. Chung quy lại, vật làng mang tính hè, hội và hứng khởi nhiều nên tất thảy người dân đều thấy gần gũi và muốn theo dõi, cổ vũ. Giải toàn quốc, nơi có đầy đủ các đô vật hàng đầu góp mặt nhưng sự quảng bá và tính phóng khoáng không có (do các đơn vị phải tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn nhằm đảm bảo thành tích) nên ít thu hút được khán giả.
![]() |
Minh chứng cụ thể nhất, hiện xã Cấn Hữu (Quốc Oai – Hà Nội) đang tổ chức giải vật tự do-vật dân tộc Hà Nội 2014 (ngày 28-2 bế mạc) và tiếng là giải phong trào nhưng khán giả luôn chật kín vây quanh sới để cổ vũ. Thậm chí, đoán biết được sự cổ vũ nhiệt thành từ khán giả, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã trở thành đơn vị phối hợp tổ chức cùng địa phương.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa của đội tuyển quốc gia từng phân tích, giải vật phong trào hội làng hứng khởi nhờ không khí cổ vũ là một lẽ, phần còn lại, giải thưởng được treo khá cao nên đó là dịp các đô vật từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp đều góp mặt.
Xem đấu vật gần như là một món ăn tinh thần ở nhiều khu vực ở miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và Thái Nguyên. Vì thế, sức nóng tới từ khán giả ngồi vây quanh sới thay vì trên khán đài nhà thi đấu là nét riêng của vật phong trào. Điều đó cho thấy, người hâm mộ luôn háo hức xem môn thể thao này.
Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội bây giờ cũng được coi là một địa điểm của vật phong trào. Tuy nhiên, với vật đỉnh cao, Hà Nội chưa thể thu hút khán giả thật đông. Lần gần nhất ở đây là chủ nhà của giải VĐQG đã là năm 2010 - khi diễn ra Đại hội TDTT toàn quốc lần 6.
Còn nhớ thời điểm đó, khán đài cổ vũ tại nhà thi đấu Hà Đông khá thưa thớt và chủ yếu là VĐV của các đoàn theo dõi và cổ vũ cho đồng đội thi đấu dưới sới.
![]() |
Xét về sự phát triển bền lâu, vật là một trong những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam. Môn đấu đã có VĐV dự Olympic, đoạt huy chương tại Asian Games và luôn chiếm thế thượng phong tại SEA Games.
Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) cho biết: “Sự đầu tư cho các VĐV vật của ĐTQG vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, về mặt gây dựng phong trào thu hút người dân thì các giải vật dân tộc hội làng có lượng khán giả đáng học hỏi”. Sắp tới, 2 hội vật quan trọng của sới vật miền Bắc là hội Ninh Hiệp và hội Yên Nội ngay ở ngày khai màn chắc chắn thu hút số lượng đông khán giả theo dõi. Do, các hội này có cả VĐV đỉnh cao lẫn VĐV phong trào góp mặt.
Tuy nhiên, hệ thống giải vật phong trào cũng có quy củ nghiêm túc. Đó là lý do Hiệp hội vật dân tộc Kinh Bắc ra đời năm 2007 với sự tham gia của 12 CLB ở trong khu vực. Kinh phí để duy trì mọi hoạt động của hiệp hội phần lớn do các thành viên tự đóng góp, một phần từ nguồn huy động xã hội hóa. Các CLB tổ chức tập luyện độc lập, khi cần giao lưu, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm đều thông qua hiệp hội.
MINH CHIẾN
Các tin, bài viết khác
-
Dòng chảy tham vọng
-
Niềm hạnh phúc của người thầy và giọt mồ hôi cô học trò
-
Giọt nước mắt nỗ lực!
-
Bài kiểm tra… bất đắc dĩ
-
Nỗi niềm bóng ném bãi biển
-
Đường dài cho các tài năng
-
Giải vô địch U23 Đông Nam Á: Hành trình kỳ lạ của U23 Việt Nam
-
Khát vọng dấn thân của U23 Việt Nam
-
Vườn ươm tài năng cho bóng đá nữ TPHCM
-
Giọt nước mắt của Bích Thùy và nụ hôn của mẹ