Học ngay trong lòng đối thủ

Thể thao Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình đưa VĐV ra nước ngoài tập luyện dài hạn. 
Kình ngư Hoàng Quý Phước hài lòng với chuyến tập huấn tại Hungary. Ảnh: T.L
Kình ngư Hoàng Quý Phước hài lòng với chuyến tập huấn tại Hungary. Ảnh: T.L
Nhiều tuyển thủ chuẩn bị cho SEA Games 2017, Asian Games 2018 được rèn chuyên môn ở rất nhiều nơi nhưng tính hiệu quả đều phải chờ thời gian... 

Đi một ngày đàng

Bóng chuyền Việt Nam luôn ra rả chuyện làm thế nào để thắng Thái Lan. Lời lý giải có nhiều nhưng chưa một ai đi sâu cụ thể vì sao nhà quản lý không có những mối gắn kết để đưa VĐV Việt Nam sang Thái Lan học việc và được đào tạo ngay trong môi trường bóng chuyền phát triển của đối thủ. Mới nhất, ngay sau Cúp các CLB nam châu Á 2017 tổ chức tại Nam Định và Ninh Bình, bóng chuyền Ninh Bình đã nhạy bén cử 2 VĐV trẻ Cù Văn Hoà và Trần Đình Hiếu sang học việc tại CLB Không lực Hoàng Gia Thái Lan.

Đội bóng số 1 của bóng chuyền nam Thái Lan là nơi đào tạo ra những cầu thủ hay nhất quốc gia này và hiện chiếm quân số đông ở đội tuyển Thái Lan. Theo tìm hiểu, Sở VH-TT Ninh Bình đã ký thỏa thuận hợp tác với đội bóng của Thái Lan. Thế nên, Văn Hoàn và Đình Hiếu là 2 “sản phẩm” đầu tiên bắt đầu được học nghề (kéo dài 1 năm, từ 7-7-2017 tới 7-8-2018) để nâng cao trình độ. Với nữ, phụ công Ngọc Hoa đã thi đấu cho đội Ayutthaya và Bangkok Glass tại xứ chùa Vàng và đạt kết quả tích cực nhờ tích lũy thêm sự chuyên nghiệp ở bóng chuyền Thái Lan.

Khi Nguyễn Thị Ánh Viên liên tục thi đấu thua đối thủ Katinka Hosszu (Hungary), nhà quản lý chuyên môn hiểu rằng, bơi lội Hungary là 1 điểm tới lý tưởng để đưa VĐV Việt Nam tới tập huấn. Vì thế, khi lựa chọn điểm tập huấn phù hợp ở năm 2016, Hoàng Quý Phước đã được gởi tới CLB bơi lội BVSC Zuglo (Hungary). Hành trình tập luyện của Quý Phước tại Hungary kéo dài gần 2 năm và kình ngư này luôn chia sẻ những thông tin về sự tiến bộ của bản thân suốt thời gian qua.

Chúng ta không thiếu trường hợp thể thao Việt Nam đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn dài hạn nhưng các chương trình đều nằm ở việc VĐV tới địa điểm cụ thể rồi thuê chuyên gia, thuê nơi ăn-ở nhận sự giám sát tập luyện chứ không hoàn toàn được trở thành thành viên của CLB hay đội thể thao địa phương đó. Văn Hoàn hay Đình Hiếu hoặc Quý Phước hơi khác. Ngoài tập huấn, họ được khoác áo đội thể thao ở nước bạn để thi đấu. Nghĩa là, khoảng cách không có và VĐV Việt Nam như thành viên giống VĐV bản địa. 

Tài chính quyết định tất cả

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao – Tổng cục TDTT) từng phân tích “chúng ta đã có những chương trình như vậy với VĐV qua nhiều giai đoạn ở nhiều quốc gia. Đó là cách làm phát triển theo thực tế. Tuy nhiên, dù là ăn tập như VĐV sở tại thì vẫn phải mất chi phí và rất đắt đỏ nên đây là bài toán luôn khó tìm lời giải”. Lãnh đạo Trung tâm TDTT Đà Nẵng từng cho biết, kinh phí cho Hoàng Quý Phước đi Hungary tập không dưới 1,9 tỷ đồng/năm. VĐV bóng chuyền Ninh Bình sang Thái Lan có thể ít hơn, và thêm may mắn là chi phí tại đây không quá đắt đỏ nên Ninh Bình “chịu” được. Chúng ta đã có Quách Thị Lan được tập tại Mỹ dài ngày nhưng phải ở lại Việt Nam từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Một phần nguyên do là kinh phí đã phải xem xét lại vì đầu tư quá lớn. Một lãnh đạo ngành thể thao đã chia sẻ, VĐV trọng điểm có những kế hoạch khác nhau và nhận đầu tư phù hợp nhưng tất cả cùng muốn ra nước ngoài dài ngày là không thể. Do thế, thuê chuyên gia đưa về Việt Nam huấn luyện là cách tối ưu giúp giảm thiểu chi phí và lại phát triển được chuyên môn cho VĐV. Tuy nhiên, nếu chỉ tập mãi ở Việt Nam, sự cọ xát vừa chừng và ít VĐV tích lũy cho mình ý thức chuyên nghiệp trong tập luyện, sinh hoạt. 

Tin cùng chuyên mục