Hoàn cảnh khổ sở của vận động viên bị cách ly

Nhiều vận động viên (VĐV) phải thực hiện việc cách ly y tế trong điều kiện “giống như nhà tù” tại Olympic Tokyo 2020.
VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 ở trong những căn phòng san sát nhau. Ảnh GETTY IMAGES
VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 ở trong những căn phòng san sát nhau. Ảnh GETTY IMAGES

Theo hãng thông tấn Reuters, tính đến chiều 31-7 (giờ địa phương), Tokyo ghi nhận thêm 21 trường hợp nhiễm Covid-19 có liên quan đến Olympic Tokyo 2020, đồng thời nâng tổng số ca bệnh lên thành 214 trường hợp (tính từ ngày 1-7). Trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lay của Covid-19 đối với sự kiện, VĐV nếu nhận phiếu kết quả xét nghiệm dương tính, hoặc có sự tiếp xúc gần F0 sẽ được cách ly trong khu ở riêng biệt với đoàn thể thao của họ. 

Tuy nhiên, một số VĐV sau khi đã trải qua khoảng thời gian sinh hoạt trong khu cách ly chỉ có thể... lắc đầu ngao ngán. Rất nhiều lời phàn nàn được người chơi đưa ra để nhận xét về điều kiện cơ sở vật chất tại đây. Chẳng hạn, nữ VĐV trượt ván người Hà Lan Candy Jacobs đã dùng cụm từ rất nặng “vô nhân đạo” để lên tiếng chỉ trích.

Nhóm VĐV thuộc đoàn thể thao Đức đã thúc giục Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) phải lập tức hành động. Maximilian Klein - đại diện cho đoàn thể thao này chia sẻ với Reuters: “Hơi kỳ cục là những VĐV có kết quả dương tính phải trải qua thời gian cách ly trong điều kiện giống như nhà tù. Còn các thành viên thuộc IOC ở khách sạn sang trọng, đắt tiền, và được cung cấp chế độ hàng ngày cao”. 

Những vấn đề được VĐV yêu cầu cần sớm giải quyết trong khu cách ly, gồm: thiếu không khí trong lành, trang thiết bị hỗ trợ tập luyện bị hạn chế, chất lượng thức ăn không phù hợp, nơi ở nhỏ và thiếu các tiện nghi cơ bản như giặt là.

“Trong khách sạn cách ly hiện tại không có đủ nguồn cung cấp không khí trong lành. Đồ ăn không phong phú, thiếu sự cân đối và không đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng dành cho VĐV thi đấu thành tích cao. VĐV sau các hoạt động tập luyện trong phòng đã phải tự giặt sạch quần áo ướt đẫm mồ hôi trong bồn rửa, và rất khó để khô kịp trang phục. Ngoài ra, một số người cảm thấy bị bỏ lại một mình, phải tự thu thập nhiều thông tin vì rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với nhân viên y tế. Ban tổ chức không nói rõ quy trình chính xác của việc kiểm dịch là gì, và các bước phải thực hiện sau khi hoàn thành việc cách ly”, một VĐV nói thông tin chi tiết.

Hoàn cảnh khổ sở của vận động viên bị cách ly ảnh 1 Các VĐV cho rằng đã bị bỏ rơi trong khu cách ly. Ảnh: GETTY IMAGES
Tất nhiên, những lời phàn nàn này nhanh chóng lọt đến tai IOC và ban tổ chức Olympic Tokyo 2020. Những thành viên tổ chức nhanh chóng lên tiếng để trấn an các VĐV, và cố gắng cải thiện điều kiện cho nhóm người có liên quan đến việc cách ly. 

Mark Adams - phát ngôn viên của IOC cho biết: “Thật không may cho mọi người, đặc biệt là các VĐV khi các biện pháp bổ sung phải được thực hiện trong điều kiện cô lập. Chúng tôi xin cảm thông với những người đã phải trải qua điều kiện khó khăn này. Có những quy định được cơ quan y tế Nhật Bản bắt buộc, và chúng tôi không thể làm thay đổi nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số điều mà IOC có thể làm được”.

Masa Takaya - người phát ngôn của Olympic Tokyo 2020 cho biết, ban tổ chức đã cố gắng mở rộng thêm không gian bên ngoài ban công tại mỗi phòng, đồng thời cho phép thành viên trong đoàn mang thức ăn đến “tiếp tế” cho VĐV bị cách ly. “Tình hình đã được cải thiện, và chúng tôi đang cố gắng linh hoạt hơn để đáp ứng những nhu cầu của mọi người. Chúng tôi muốn gửi lời cảm thông chân thành đến họ. Đó chắc hẳn là một cảm giác thót tim”.

Tin cùng chuyên mục