
Dù đã chính thức giã từ nghiệp cầm quân từ năm 2003, nhưng suốt 7 năm qua, chất xám của ông đã được nhiều nơi trọng dụng và mời về để tham gia giảng dạy hoặc làm cố vấn nhằm góp những ý kiến hữu ích cho đội bóng. Điều đặc biệt là ông dứt khoát từ chối nhiều lời mời từ các nơi khác mà chỉ làm việc tại TPHCM. Gặp lại HLV Tam Lang trong giai đoạn bóng đá TPHCM ở vào thời kỳ… vẫy vùng ở hai bảng xếp hạng V-League và hạng nhất, ông bày tỏ ngay cảm xúc của mình:

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang khi còn làm việc ở thời điểm CSG vô địch Việt Nam (năm 2002). Ảnh: Q.C.
...Trước đây, bóng đá TPHCM luôn là ao ước trở thành điểm đến của cầu thủ giỏi từ khắp nơi. Thậm chí thời điểm hoàng kim của bóng đá TPHCM, các tuyến kế cận từ Trường Năng khiếu nghiệp vụ luôn bổ sung những cầu thủ giỏi kịp đáp ứng nhu cầu cho các đội bóng. Nguồn cầu thủ khi ấy rất phong phú, ngoài các tỉnh thành xung quanh, Trường Năng khiếu nghiệp vụ còn có bóng đá phong trào. Như ở đội CSG, những Nguyễn Văn Thòn, Lê Thanh Tùng, Phan Hữu Phát… được phát hiện từ bên ngoài và khi về đội tôi giao cho anh Dương Văn Thà kiểm tra rồi nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của đội…
- Nhắc đến chuyện ngày xưa hẳn là buồn nhiều hơn vui so với hiện tại?
- Hẳn thế, mặt bằng xã hội nay có phần khác trước. Xung quanh TPHCM có nhiều địa phương phát triển bóng đá nhanh và mạnh mẽ không kém và việc cạnh tranh thu hút cầu thủ giỏi cũng gặp nhiều hạn chế. Nhưng cái chính là nguồn đào tạo cầu thủ không được như trước mà làm bóng đá thì rất cần cái nền móng thật vững, vừa đỡ chi phí mua sắm cầu thủ theo từng mùa chỉ mang tính ngắn hạn và đỡ được nhiều chi phí khác.
- Đó là nguyên nhân chính?
- Theo tôi, rất cần làm lại thật hoàn chỉnh từ khâu đào tạo bởi ở góc nhìn chuyên môn, qua nhiều năm làm việc tôi cảm nhận là “sân sau” của bóng đá thành phố hiện đang rất yếu. Chúng ta hiện chỉ chạy theo phần ngọn chứ không chăm lo cho cái gốc bóng đá trẻ, là đáng lo về lâu dài. Tôi nghĩ, ngoài việc làm lại một cách tổng thể khâu đào tạo trẻ ở các trường, trung tâm; ngay các CLB cũng tự chuẩn bị cho mình từ 1-2 tuyến trẻ, thi đấu cọ xát thường xuyên mới hy vọng có được đầu ra thích hợp.
- Mùa bóng năm nay ông có quan sát CLB TPHCM thi đấu?
- Có chứ, ở Cúp quốc gia cũng như mấy trận đầu mùa hễ rảnh lúc nào là tôi đến sân để xem. Thực tế, lực lượng của đội quá yếu và tôi nghĩ là do những hạn chế từ giai đoạn chuẩn bị hồi đầu mùa bóng.
- Theo ông, Nguyên Chương sẽ lèo lái thành công trên ghế HLV trưởng để đưa đội trụ hạng?
- Tôi nghĩ HLV hiện nay ai cũng có bằng cấp cả và cũng có nhiều kinh nghiệm ở công tác huấn luyện nên tôi nghĩ Nguyên Chương sẽ không gặp nhiều khó khăn lắm.
- Điều đầu tiên ông nghĩ đến khi xem CLB TPHCM hay Navibank Sài Gòn thi đấu là gì?
- Càng xem càng thấy lỗ hổng rất lớn từ nguồn lực dự phòng ở phía sau. Việc bỏ tiền ra thuê cầu thủ giỏi từ bên ngoài về chỉ mang tính chữa cháy, thực tế là không có nguồn nên chỉ còn cách là “đi chợ” bên ngoài thôi. Đó là điều rất khó cho ban huấn luyện bởi không có được đội hình chủ lực tốt thì khó lòng lắm.
- Có thông tin CLB TPHCM từng đánh tiếng mời ông về lại?
- Thực tế tôi có gặp ai và đã có ai gặp tôi đâu. Nhưng vì một số nguyên nhân tế nhị nên nếu có lời mời thì tôi cũng không về lại. Tôi đã từng rất buồn, rất đau lòng trong ngày ra đi khỏi đội CSG, khi ấy người ta đã đổ thừa nguyên nhân thất bại (xuống hạng) do lỗi của tôi. Bóng đá có thắng, có thua thì đành chấp nhận. Nghĩ lại chỉ thấy buồn cho cái tên Cảng Sài Gòn vốn là một thương hiệu… Ở TMN.CSG ngày ấy, người phụ thì ít mà “sếp” thì nhiều nên cũng khó làm việc. Dù sao, điều tôi rất mừng là khi ra đi đã để lại những học trò và họ đã kế thừa công việc của chúng tôi rất tốt.
- Mới đây, ông đã nhận lời về tham gia cùng Navibank Sài Gòn?
- Tôi có nhận lời, nhưng thực tế thì không tham gia trực tiếp nhiều vào chuyên môn bởi sức khỏe hiện nay không cho phép. Chúng tôi chỉ thỏa thuận là những buổi tập, trận đấu của đội bóng trên sân nhà, tôi sẽ đến sân để xem và từ đó sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp cùng lãnh đạo CLB. Hay những buổi họp cùng ban huấn luyện, tôi sẽ có những góp ý nếu thấy cần thiết
QUỐC CƯỜNG (thực hiện)