Hết sữa đến mì gói

Nhà tài trợ mới nhất của đội tuyển Việt Nam là một thương hiệu chuyên sản xuất mì ăn liền. Điều thú vị là cách đây không lâu đã có một lệnh cấm sử dụng mì gói ở đội tuyển U.23 thời HLV Hữu Thắng.

 

Các thương hiệu sữa tràn ngập trên sân Pleiku ở V-League 2018 Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các thương hiệu sữa tràn ngập trên sân Pleiku ở V-League 2018 Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một số chuyên gia marketing nói vui: Bóng đá Việt Nam đang có một “cuộc chiến” giữa các thương hiệu thực phẩm. Sau khi Nutifood trở thành nhà tài trợ chính của V-League 2018 thì ngay lập tức, một thương hiệu ngành hàng sữa khác đang tài trợ cho HA.GL quyết định mời HLV Park Hang-seo là đại sứ thương hiệu của mình. Chưa dừng lại ở đó, thương hiệu này chi ra một số tiền rất lớn để “thu gom” các bảng trên một số sân vận động có lượng khán giả đông đảo như Lạch Tray, Hàng Đẫy, Nha Trang… để tạo ra cuộc đối đầu về thương hiệu với nhà tài trợ Nutifood. Trong khi đó, sau nhiều năm không tham gia tài trợ bóng đá, hãng bánh kẹo Kinh Đô đã mời 2 ngôi sao Quang Hải, Tiến Dũng làm đại sứ thương hiệu của mình. Hiện có thông tin, một thương hiệu nước giải khát cũng sẽ tham gia.

Kể từ sau giai đoạn 2002-2005 tràn ngập các ngành hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh tài trợ cho bóng đá thì một lần nữa, bóng đá Việt Nam lại gây sức hút với các sản phẩm vốn có ngân sách quảng cáo khổng lồ này. Đấy là tín hiệu rất tích cực. Sự chuyển dịch này có lý do của nó. Lượng khán giả ở 4 vòng đấu đầu tiên tại V-League 2018 đang liên tiếp phá kỷ lục. Trung bình có đến 15.000 người/trận. Những khán đài của sân Hàng Đẫy, Lạch Tray, Thiên Trường, Nha Trang… đều ghi nhận những con số “không thể tin nổi” vốn chỉ có ở thời hoàng kim cách đây gần 20 năm. Số lượng khán giả tăng đột biến, bởi lần đầu tiên V-League đón một thành phần khán giả mới, đó là các CĐV trẻ tuổi và đặc biệt là rất nhiều fan nữ, vốn rất hâm mộ các cầu thủ U.23. 

Đây chính là lý do mà các thương hiệu hàng tiêu dùng không thể ngồi yên trước cơ hội được tiếp cận một lượng khách hàng quan trọng của mình. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo mới của Công ty VPF - đơn vị đang tổ chức V-League, đã quyết định không phát sóng trực tiếp các trận đấu trên hệ thống Youtube và mạng xã hội. Đây là bước đi mang tính chiến lược, tạo điều kiện để V-League có doanh thu từ việc bán bản quyền cho rất nhiều kênh truyền hình trả phí. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy người hâm mộ mua vé vào sân thay vì xem bóng đá qua các thiết bị di động. Nếu chiến lược này được thực hiện tốt và bóng đá Việt Nam duy trì được sức hút của mình thì các CLB sẽ tăng ít nhất 20% doanh thu, thay vì phải mở cửa miễn phí hoặc bán vé giá thấp mà chẳng ai đến xem.

Tin cùng chuyên mục