Henrikh Mkhitaryan: Nỗi đau bi kịch tạo nên điểm nhấn cuộc đời

Trong quá khứ, Henrikh Mkhitaryan từng rất vất vả vượt qua được nỗi đau mất đi người cha thân yêu. Để rồi hiện tại, một lần nữa, tiền vệ người Armenia phải tiếp tục đối mặt với bi kịch mới khi giấc mơ thành công cùng Man United dần tan vỡ.
Henrikh Mkhitaryan
Henrikh Mkhitaryan

“Cho con theo cùng cha. Năn nỉ mà cha!”

“Cha - Điểm Tựa Đời Con” của nhà văn Jack Canfield và Mark Victor Hansen là tác phẩm văn học lay động lòng người. Nội dung cuốn sách xoay quanh chặng đường từ bé đến lớn từ người con đều gắn liền với sự dìu dắt của cha. Nhưng đến một ngày, “Thần chết” mang người cha đi đã để lại nỗi đau sâu thẳm khó có giá trị nào lấp đầy trong tâm khảm người con.

Tình cha con của Mkhitaryan cũng như tác phẩm “Cha - Điểm Tựa Đời Con” khi khởi đầu là những phút giây hạnh phúc nhưng kết thúc bằng nước mắt đau thương. Ngay lúc chào đời, Mkhitaryan luôn được người cha Hamlet Mkhitaryan làm điểm tựa trong hành trình khôn lớn. Nếu Mkhitaryan khóc, Hamlet thay vợ dỗ dành. Khi Mkhitaryan chập chững những bước đi đầu đời, Hamlet cũng thay vợ nếu như có mặt ở nhà… quan trọng hơn cả, chính Hamlet làm động lực cho Mkhitaryan theo sự nghiệp “quần đùi áo số”.

Lúc Mkhitaryan còn trong bụng mẹ, tên tuổi Hamlet đã nổi tiếng khắp giải đấu của Liên Bang Xô Viết cũ ở quê nhà Armenia. Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, thi đấu đậm chất kỹ thuật, Hamlet trở thành một trong những tiền đạo hàng đầu. Trước đó, được tạp chí Người lính Xô Viết thậm chí vinh danh với danh hiệu “Hiệp sĩ tấn công” năm 1984 - đây là giải dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn trong một trận đấu cụ thể (cả giải, Hamlet có với 3 cú hattrick cùng 1 poker).

Khi Mkhitaryan lên 5 tuổi, nội chiến ở Armenia xảy ra, cả gia đình chuyển sang Pháp nơi Hamlet thi đấu cho ASOA Valence (tại giải hạng 2). Những ngày thấy cha đi tập, Mkhitaryan đều nói: “Cho con theo cùng cha. Năn nỉ mà cha!”

Lòng thì thương con, nhưng lại sợ sự xuất hiện của cậu con trai ngoài sân tập làm ảnh hưởng đến chuyên môn, Hamlet đành nói gạt cậu con trai: “Không, hôm nay đội nghỉ tập, cha đi đến siêu thị đó mà.”

Đợi và đợi, cả mấy tiếng đồng hồ không thấy về, lúc về cũng chẳng có món đồ nào, Mkhitaryan mới biết cha gạt mình. Uất ức quá đỗi, Mkhitaryan chỉ biết khóc oe lên cho hả cơn giận: “Cha lừa con, cha hoàn toàn không có đi siêu thị, cha đã đi đá bóng.” Cứ thế mà khóc, khóc đến khi nào được cho quà mới ngừng lại.

Dẫu vậy, đối với Mkhitaryan đấy là khoảng thời gian vô cùng tuyệt vời của gia đình - nơi hội tụ đầy đủ gam màu cho bức tranh hạnh phúc. Nhưng Mkhitaryan đâu biết rằng, những gam màu ấy sớm được thay thế bằng gam màu u tối mang nỗi đau xé lòng. “Mẹ ơi! cha đâu rồi, mới đây mấy ngày con thấy cha mà. Sao mẹ lại khóc, mẹ ơi cha đâu rồi?” Ôm con vào lòng, mẹ Mkhitaryan đành gạt nước mắt giải thích: “Henrikh à, cha đã đi một nơi xa rồi, cha sẽ không quay lại với chúng ta nữa đâu con trai à.”

Điếng người, Mkhitaryan chỉ biết gục xuống mà khóc, khóc để hy vọng trong cái mộng mị của trẻ con, cha Hamlet sẽ quay về để dỗ dành để thương yêu. Nhưng không, Hamlet đã rời xa mãi mãi!

Old Trafford - nhà hát của bi kịch với Mkhitaryan

“Cha là động lực của tôi, hy vọng trên thiên đàng, cha sẽ tự hào khi thấy tôi làm được những gì hôm nay”, Mkhitaryan từng chia sẻ.

Luôn là vậy, Mkhitaryan coi tấm gương người cha là động lực cố gắng. Một năm sau ngày Hamlet mất, Mkhitaryan bắt đầu tập bóng đá. Toàn bộ thời gian biểu dành cả cho bóng đá, từ tập luyện, đọc sách, xem bóng đá thậm chí chơi bóng đá trên Play Station. Toàn tâm toàn ý như vậy, nên chẳng trách, hành trình từ lúc khoác áo Pyunik… cho đến Dortmund đều ghi nhận cố gắng cùng sự phạt triển vượt bậc từ Mkhitaryan.

Song, quyết định chuyển đến Man.United được xem bước ngoặt lớn đối với sự nghiệp Mkhitaryan: “Tôi rất phấn khích khi gia nhập Man United. Đây như ước mơ và cũng là thử thách thực sự với tôi.”

Man United là ước mơ, và Old Trafford như “nhà hát” để chắp cánh cho ước mơ thành hiện thực - nơi hứa hẹn biến tiền vệ người Armenia thành “nghệ sĩ” với những màn trình diễn thăng hoa. Sau mùa đầu không mấy nổi bật, Premier League 2017-2018, Mkhitaryan “bùng nổ” khi liên tiếp sáng chói. 6 vòng đầu, Mkhitaryan có đến 5 đường kiến tạo và 1 bàn. Jose Mourinho hết lời khen ngợi cậu học trò, truyền thông Anh tung Mkhitaryan “lên mây”.

The Sun từng giật tít: “Mkhitaryan là ngôi sao trong chương trình biểu diễn của Man United trước Swansea”. Đến trận thắng Leicester sau đó, Daily Mail thì viết: “Mkhitaryan là người khỏi xướng cho chiến thắng của Man United trước Leicester”… Tất cả như bước đệm hy vọng cựu tiền vệ Dortmund trở thành “đầu tàu” đưa Quỷ đỏ thăng hoa.

Nhưng khi Mourinho kỳ vọng nhiều, các Manucian đặt niềm tin lớn, Mkhitaryan chỉ đáp lại bằng sự thất vọng. Vẫn chơi trong sơ đồ quen thuộc với vị trí số 10, từ sau vòng 7 trở đi, chẳng ai còn thấy Mkhitaryan chói sáng nữa, thay vào đó là như “bóng ma” vật vờ trong “nhà hát” Old Trafford.

Từ kiên nhẫn, Mourinho đành chỉ trích nặng nề cậu học trò: “Mkhitaryan đã có khởi đầu mùa giải ấn tượng rồi dần dần đánh mất chính mình. Những trận đấu gần đây tôi đã loại bỏ Mkhitaryan ra khỏi đội hình.” Tất cả tạo nên bước trượt dài cho đến hiện tại.

Bây giờ Mkhitaryan chẳng khác gì món hàng “thừa thãi”, và BLĐ Quỷ đỏ dùng tiền vệ người Armenia như điều khoản trong thương vụ chuyển nhượng Alexis Sanchez từ Arsenal. Nếu mọi thứ diễn ra êm đẹp, Mkhitaryan chuyển đến Arsenal cũng hợp lý cả thôi. Ở đó có cơ hội cho cựu tiền vệ Dortmund làm lại hơn “đánh bóng” ghế dự bị tại Old Trafford.

Chắc một điều, Mkhitaryan rồi sẽ ráng gượng chấp nhận bi kịch lần nữa khi ngày đến nhiều hy vọng, ra đi mang lắm thất vọng. Phải chăng cảm giác này giống cảm giác hy vọng theo cha trong từng buổi tập, rồi thất vọng khi Hamlet mất đi… và khác nhau ở nước mắt Mkhitaryan?

Tin cùng chuyên mục