Chắc chắn sự kiện thể thao lớn nhất trong năm 2011 là SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia vào trung tuần tháng 11 và mục tiêu được đặt ra cho thể thao Việt Nam là cạnh tranh với Thái Lan ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng (ngôi số 1 chắc chắn đã nằm trong tay đoàn chủ nhà).
Đặt mục tiêu như vậy là đương nhiên, tranh đua với Thái Lan càng tốt nhưng phải chăng đã đến lúc phải “phát động” mục tiêu “quên SEA Games” đi?! Nhất là sau những gì rút tỉa được từ Asiad 16 vừa qua.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam một lần đứng đầu toàn đoàn, một lần về nhì, 2 lần về thứ ba. Những con số ấy cho thấy nền thể thao chúng ta có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên điều đó lại không bảo đảm được chất lượng thành tích tăng ở cấp độ châu Á.
Điểm qua lịch sử SEA Games, Malaysia và Philippines cũng chỉ một lần đứng đầu SEA Games (khi là nước tổ chức), còn Singapore thì thậm chí còn chưa lần nào vào tốp 3 nhưng các đoàn thể thao trên đều có thành tích vượt xa Việt Nam tại đấu trường Asiad. Nếu thể thao Việt Nam đang đứng tốp 3 khu vực thì tại Asiad chúng ta còn kém hơn 5 đoàn Đông Nam Á khác. Như vậy, thành tích tại SEA Games chỉ có ý nghĩa về số lượng.
Phấn đấu tại SEA Games là điều hoàn toàn đúng nhưng thành tích tại đại hội này chẳng có ý nghĩa gì khi bước ra sân chơi lớn hơn, lại kém cỏi. Đặt ra mục tiêu “quên SEA Games” là để có định hướng đầu tư căn bản, tập trung và có chiều sâu hơn bởi thực tế đã chứng minh ngay cả những VĐV đoạt ngôi vô địch châu Á hay thậm chí cả thế giới cũng còn chưa bảo đảm đạt HCV tại Asiad, nói gì đến những chiếc HCV tại đấu trường mang tính phong trào nhiều như SEA Games.
Hơn nữa, nếu không đầu tư một cách dài hạn, có mục tiêu lớn thì ngay cả việc duy trì thành tích tại SEA Games cũng là vấn đề nan giải khi thiếu hụt lực lượng kế thừa.
THÚY VI