Nói tiếp về sự tụt hậu của thể thao Việt Nam, có lẽ không thể không nhắc đến những khoản kinh phí không nhỏ mỗi năm mà nhà nước và nhân dân bỏ ra để xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao.
Nhiều chuyên gia nhận định: Việt Nam thiên về hướng “luyện gà chọi” hơn là đầu tư thể thao học đường. Bằng chứng, hầu hết các vận động viên dự Olympic vừa qua đều xuất phát từ những lò luyện, chỉ ăn ngủ với luyện tập, thậm chí người ta “quên” luôn đào tạo kiến thức văn hóa cho các vận động viên. Nhưng đâu phải vậy mà thể thao học đường không được chú trọng. Hội khỏe Phù Đổng tại Cần Thơ vừa kết thúc và được đánh giá thành công vang dội, với số lượng vận động viên tham dự đông nhất, thành tích tốt nhất, nhiều huy chương nhất… Kết quả này thật “đẹp” bởi TPHCM và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với bề dày truyền thống của mình khi mỗi đơn vị có trên dưới 200 huy chương và xếp thứ ba là chủ nhà Cần Thơ với 116 huy chương. Nhìn số huy chương đã thấy đẹp!
Ở một quốc gia, nếu xem thể thao học đường là nguồn cung cấp tài năng vô giá thì chắc chắn những chiếc huy chương vàng tại hội khỏe sẽ tiếp tục là những chiếc huy chương tại các giải thể thao khu vực và thế giới. Người hâm mộ tuy chưa được tiếp xúc nhiều nhưng cũng đã khá quen với những đội bóng sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam tham dự nhiều giải đấu. Chất lượng thể thao trong sinh viên của họ ai cũng thấy rõ, nên họ đạt thành tích khá cao tại Olympic vừa qua không phải là điều bất ngờ.
Sau thất bại tại Olympic, ai cũng cố tìm nguyên nhân… càng xa mình càng tốt, kể cả những cựu quan chức. Không bàn thêm về cách giải thích của vận động viên hay các phụ trách đoàn, hay người có trách nhiệm cao nhất tham dự Olympic vừa rồi, mà nói đến chuyện hiện giờ người ta bàn chuyện cũ hơn và xa hơn. Một cựu lãnh đạo Tổng cục TDTT sau khi dẫn ra nhiều nguyên nhân trắng tay của thể thao Việt Nam đã cho rằng “Việt Nam làm gì có nhiều người tài nhưng mỗi năm hiện nay vẫn tập trung từ 1.500 – 2.000 vận động viên quốc gia tại tất cả trung tâm đào tạo”. Có lẽ nhận định này cho thấy chủ trương “luyện gà chọi” như Trung Quốc là không mang lại hiệu quả, để nhằm kêu gọi quan tâm hơn nữa đến thể thao học đường như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc…
Nhưng người hâm mộ Việt Nam sẽ còn bàn lâu hơn về ý đầu của câu nói này, và tự hỏi những người được Nhà nước và nhân dân giao trọng trách xây dựng thể thao nước nhà đã thật sự làm hết trách nhiệm chưa? Như một dòng chảy, thể thao cũng là sự tiếp nối. Nếu không đặt được nền móng vững thì không thể xây được ngôi nhà kiên cố. Vì vậy, nên bớt trách cứ mà hãy cùng xây dựng. Người đang có trách nhiệm phải dũng cảm lên tiếng, người đã trở thành “cựu” cũng nên dũng cảm hiến kế để vừa khắc phục sai lầm trước đây, vừa góp sức một cách có trách nhiệm vào sự nghiệp chung. Lúc đó, sự thành công của Hội khỏe Phù Đổng như vừa qua sẽ là dấu hiệu cho một thế hệ tài năng thể thao Việt Nam xuất hiện trong tương lai không xa.
Dương Ngữ Yên
Các tin, bài viết khác
-
Roland Garros: Casper Ruud tiếp bước cha mình, làm nên lịch sử cho quần vợt Na Uy
-
Mbappe “vào quên lãng” trong ngày Real Madrid lên đỉnh châu Âu
-
Romelu Lukaku quyết chia tay Chelsea để trở lại Inter Milan
-
Alessandro Covi solo hơn 53km chiến thắng "chặng nữ hoàng" của giải xe đạp Giro d’Italia
-
Người hâm mộ TPHCM háo hức đi mua vé xem tuyển Việt Nam thi đấu
-
Kình ngư Phạm Thanh Bảo: Cuộc sống của tôi không xáo trộn sau SEA Games 31
-
Ancelotti: “Hãy gọi tôi là kỷ lục gia”
-
Klopp: “Liverpool sẽ trở lại. Hãy đặt khách sạn ở Istanbul”
-
Real Madrid khẳng định quyền lực tuyệt đối
-
Bóng chuyền Việt Nam sẽ 'sạch' hơn nhờ 'mắt thần'