
Tương lai của 2 CLB Persipura Jayapura và Persiwa Wamena (đang thi đấu tại giải VĐQG Indonesia - Indonesia Super League) đang u ám sau khi chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ yêu cầu chính quyền thành phố Jayapura cắt nguồn kinh phí đầu tư 2,3 triệu USD hàng năm.
Sống dựa vào ngân sách
Đấy chỉ là 2 trong rất nhiều CLB ở Indonesia đang sống dựa vào nguồn ngân sách của địa phương. Mang tiếng là hướng lên chuyên nghiệp, nhưng mô hình hoạt động của các đội bóng ở đất nước Vạn đảo không tự chủ được nguồn kinh phí, luôn phải đợi chờ ngân sách của chính quyền thành phố rót xuống. Thành ra, khi nhận thấy bóng đá ngày càng không làm ra tiền, chính phủ dĩ nhiên phải tính đến chuyện cắt giảm để tập trung cho nhiều lĩnh vực quan trọng hơn.
Trên tờ Jakarta Globe, ông Manase Robert Kambu - cựu thị trưởng thành phố Jayapura và hiện là Chủ tịch của Black Pearls - phàn nàn: “Các đội bóng ở đây chỉ có thể tồn tại nếu như tiếp tục nhận được nguồn kinh phí của địa phương. Chuyện tìm kiếm một doanh nghiệp hay tổ chức tham gia đầu tư vào bóng đá lúc này là điều quá khó khăn. Các đội bóng ở Indonesia hầu hết đều sống dựa vào ngân sách địa phương, nên nếu bị cắt khoản này, tất cả sẽ lao đao”.

Persipura là CLB điển hình trong chuyện sử dụng ngân sách địa phương để tồn tại ở làng bóng Indonesia.
Với đội bóng có danh tiếng như Persipura Jayapura (vô địch quốc gia 2005 và 2009), có thể việc tìm kiếm một nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn đôi chút so với đội bóng cùng thành phố là Persiwa Wamena. Khi thừa hiểu không thể dựa thêm vào chính quyền địa phương, lãnh đạo đội bóng này đã liên hệ thẳng với ngân hàng Papua để thuyết phục tham gia đầu tư bóng đá, nhưng cũng chỉ có được 3 tỷ rupi cho mỗi mùa, bằng 1/5 so với nhu cầu thực.
Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng khiến chính quyền thành phố quyết định nói không với cả 2 đội bóng chính là họ không kiểm soát được nguồn kinh phí cấp cho hoạt động bóng đá. Trên thực tế, chính quyền đã chi hơn 15 tỷ rupi cho 2 CLB ở mùa bóng 2010 và nếu tiếp tục đầu tư cho mùa bóng mới 2011, chính quyền sẽ tốn hơn 13 tỷ rupi nữa.
Chính phủ sẽ ra tay
Thời gian qua, vấn đề sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các CLB đã nảy sinh nhiều vụ tham nhũng. Trước thực tế ngày càng phổ biến, chính phủ Indonesia thành lập hẳn một cơ quan giám sát tham nhũng để theo dõi. Ông Yuswandi Temenggung - người quản lý nguồn ngân sách địa phương của Bộ Nội vụ - khẳng định chính phủ Indonesia tới đây sẽ áp dụng quy định mới về việc phân bổ ngân sách cho bóng đá. “Kể từ năm 2012, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp chặt chẽ và giúp làm minh bạch nguồn tiền được sử dụng của chính phủ”, ông Yuswandi cho hay.
Thực ra, kể từ năm 2007, theo một Nghị định sửa đổi của Bộ Nội vụ, chính phủ Indonesia đã khuyến cáo chính quyền địa phương không được trực tiếp cung cấp nguồn vốn nuôi các đội bóng. Ông Yuswandi cho biết tới đây, Bộ nội vụ sẽ áp dụng nghiêm khắc quy định này.
Trong một báo cáo hồi tháng 1 của Ủy ban giám sát tham nhũng Indonesia đã chỉ ra rằng các CLB bóng đá hoàn toàn có thể tồn tại dựa vào nguồn tài trợ tìm được, chứ không cần chờ đợi ngân sách của địa phương. Nếu tiếp tục theo nếp cũ, tình trạng các quan chức địa phương cũng như lãnh đạo các đội bóng tham nhũng sẽ gia tăng, đồng thời giết chết luôn mục tiêu chuyên nghiệp mà bóng đá nước này đang nỗ lực theo đuổi.
Hơn nữa, khi bóng đá không thể làm ra tiền (mặc dù trên góc độ kinh tế thì có thể sinh lời qua hoạt động quảng cáo, kêu gọi đầu tư…), thì cấp kinh phí nuôi bóng đá hết năm này qua năm khác sẽ ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
Theo nhà nghiên cứu Apung Widadi, chỉ tính riêng ngân sách mà thành phố Trung Java cấp cho đội bóng PSIS Semarang ở mùa bóng 2006 (1,6 triệu USD) cao gấp 3 lần so với số tiền mà địa phương chi ra phục vụ các công tác dinh dưỡng cộng đồng, giáo dục mầm non… Thậm chí theo ông Apung, sự thiếu minh bạch trong quyết toán nguồn vốn ở các đội bóng hiện nay sẽ tạo điều để tình trạng tham nhũng tăng cao, khó kiểm soát.
LĐBĐ Indonesia (PSSI) đã nhiều lần thuyết phục các CLB hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nhưng bất thành. Bóng đá đôi khi là một “kênh” giúp các chính khách địa phương phục vụ mục đích chính trị nên mới rót tiền đầu tư. Thành ra, muốn thay đổi triệt để ở thời điểm hiện tại là một thử thách lớn.
NGUYÊN KHANG
(theo báo nước ngoài)